Bình Dương cần khoảng 150.000 – 200.000 lao động có trình độ tay nghề. Do đó, vấn đề nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao là một trong những mục tiêu hàng đầu trong quá trình phát triển của tỉnh. Bình Dương sẽ tiếp tục có hướng đi riêng trong đào tạo nhân lực để đạt được mục tiêu phát triển bền vững của mình.
Theo Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2018, các trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh đã giới thiệu hơn 46.320 lao động, nhưng kết quả chỉ có hơn 25.110 lao động có việc làm ổn định. Trong xu hướng hội nhập hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã tập trung cải tiến, đầu tư trang thiết bị hiện đại, nên rất cần đội ngũ công nhân kỹ thuật, người lao động có tay nghề cao để đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, tình trạng thiếu và thừa nguồn lao động vẫn đang tiếp diễn.
Với 14 trường đại học - cao đẳng, 12 trường trung cấp chuyên nghiệp, mỗi năm, Bình Dương cung ứng ra thị trường 35.000 lao động đã qua đào tạo. Trong đó, trình độ từ trung cấp trở lên khoảng 12.000 người. Với thực tế đào tạo như thế, việc tìm đủ người đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp vẫn đang là thách thức lớn của Bình Dương. Nhiều doanh nghiệp đang phải tuyển lao động phổ thông, sau đó tổ chức hướng dẫn, đào tạo nghề bổ sung, đào tạo nâng cao nhằm đáp ứng các quy trình của hệ thống sản xuất mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện gặp khó khăn trong việc giữ chân lao động có tay nghề, vì xu hướng nhảy việc của lao động sau khi được đào tạo ngày càng nhiều hơn.
Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp, tỉnh Bình Dương tập trung phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng xã hội hóa, mô hình trường nghề gắn chặt với doanh nghiệp và khu công nghiệp, để phối hợp tạo nên nội dung đào tạo hoặc mở các khóa dạy nghề theo nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp. Bình Dương cũng tăng cường khảo sát nhu cầu lao động từ việc gắn kết hơn nữa các doanh nghiệp trong tỉnh nhằm xây dựng mô hình đào tạo đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, sử dụng nhân lực trung hạn, dài hạn…Các sở, ngành, hiệp hội ngành nghề trong tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ trong hợp tác nhằm cam kết việc xác định nhu cầu, đào tạo cung ứng đúng, đủ theo yêu cầu của xã hội. Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh sẽ nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 80% nhằm phù hợp sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ - công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa.