Để nâng cao giá trị ngành nông nghiệp, tỉnh Bình Dương đã tích cực triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành và chuyển dịch ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp tập trung, tạo thế mạnh trong nông nghiệp của tỉnh.
BÌNH DƯƠNG CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP HIỆU QUẢ
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bình Dương đã định hình theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, năng suất cao, chất lượng và hiệu quả. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, chăn nuôi tập trung. Nông nghiệp phát triển rõ nét theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cây trồng được chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với qui hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, nhất là cây ăn trái có múi và vùng sản xuất rau màu. Hiện nay, diện tích cây lâu năm toàn tỉnh đạt trên 143.000 hecta. Trong đó, diện tích cao su đạt trên 134.000 hecta, diện tích cây điều đạt gần 1.500 hecta, diện tích cây ăn trái đạt trên 6.700 hecta, tăng 3,5% so với năm 2017, trong đó cây có múi hơn 3.400 hecta. Hiện tỷ trọng trồng trọt chiếm trên 42%, chăn nuôi trên 53% và dịch vụ chiếm 4,5% trong cơ cấu nông nghiệp.
Nổi bật hiện nay là ở các huyện phía Bắc của tỉnh, kinh tế trang trại được đầu tư mạnh. Toàn tỉnh hiện có hơn 900 trang trại, tổng diện tích hơn 4.200 hecta. Bình Dương cũng đã hình thành 4 khu nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích gần 980 hecta. Các khu nông nghiệp do doanh nghiệp đầu tư và các trang trại qui mô lớn đang là điểm sáng trong trong nghiệp của tỉnh.
Từ nay đến năm 2020, ngành nông nghiệp tỉnh phấn đấu tăng giá trị bình quân hàng năm đạt 2,5%. Để nâng cao giá trị gia tăng của ngành, tỉnh tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả nhằm tạo kết quả vượt bậc hơn cho ngành nông nghiệp Bình Dương.
Thời sự Bình Dương tổng hợp 2/7/2019:
http://btv.org.vn/video/chuong-trinh-11-gio-30-ngay-2-7-2019-39602.html