Cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế công nghiệp, Bình Dương đã trở thành trung tâm xuất khẩu hàng hóa với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm chiếm hơn 10%/tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Riêng năm 2018 Bình Dương đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 25,3 tỷ USD và có 7/23 ngành hàng đã đạt giá trị xuất khẩu từ 1,1 Tỷ đến 4 tỷ USD.
Trong 3 ngành hàng của Bình Dương đã đạt xuất khẩu hơn 3 tỷ USD vào cuối năm 2018 thì ngành giày dép, túi xách dẫn đầu với giá trị 4 tỷ USD, tiếp đó là ngành chế biến gỗ với giá trị 3,2 tỷ USD và dệt may đạt giá trị xuất khẩu 3,05 tỷ USD. Các ngành này đã chiếm đến 40,3 % Kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh trong năm qua.
Đạt được kết quả này là do ngoài việc lớn mạnh về qui mô cấu trúc doanh nghiệp, các ngành hàng này còn có sự phát triển vượt bậc về công nghệ và thiết bị sản xuất được nhập khẩu từ Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và nhiều Quốc gia tiên tiến, nên có khả năng nâng cao sản lượng, đáp ứng các đơn hàng lớn với chất lượng hàng hóa ổn định.
Cùng với đó các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư sản xuất phụ liệu từ nguyên liệu trong nước, nên chủ động được nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Trong đó ngành giày dép, túi xách đã đầu tư rất mạnh cho công tác sản xuất nguyên phụ liệu nên giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên, phụ liệu từ 65% vào năm 2010, xuống còn khỏang 30% vào năm 2018.
Qua quá trình phát triển, các ngành May, Giày và chế biến gỗ cũng xây dựng được đội ngũ lao động lành nghề, nên có thể tạo được nhiều chủng loại sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đây chính là những lợi thế mà các doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy để nâng cao tính cạnh tranh ở thị trường quốc tế
Tuy vậy các ngành này cũng đang tồn tại những bất lợi do chưa chủ động hoàn toàn nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất mà vẫn nhập khẩu một tỷ lệ đáng kể. Cùng với đó hiện tại ngành gỗ đang hướng tới việc đầu tư các công nghệ tự động, công nghệ 4.0 trong khi năng lực tài chính có hạn, vì thế, nếu có những hỗ trợ phù hợp, nhất là lãi suất vốn vay trung và dài hạn, thì doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp 4.0
Với năng lực hiện tại, các ngành giày, may, và chế biến gỗ sẽ có những cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa khi các hiệp định kinh tế song phương và đa phương giữa Việt Nam và các quốc gia được thực thi. Song để đảm bảo ổn định các ngành này cũng cần lưu ý đến việc bảo vệ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm vì quyền lợi Quốc gia, tránh rắc rối trong hoạt động ngoại thương khi có chiến tranh thương mại giữa các nước lớn.