“Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...” được xác định là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của Đảng ta. Tại Bình Dương, địa phương đang có tốc độ công nghiệp hóa – đô thị hóa cao của cả nước, đang thu hút lượng số lượng lớn lao động nhập cư và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất kinh doanh, vấn đề đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và đang được các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp Bình Dương chung tay thực hiện nhằm chuyển dịch nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tri thức, mang lại lợi ích tối đa cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững...

BÌNH DƯƠNG ĐẨY MẠNH CHIẾN LƯỢC XÂY DỤNG THÀNH PHỐ THÔNG MINH

 

Năm 2016, Đề án xây dựng thành phố Thông minh Bình Dương chính thức được triển khai nhằm tạo ra những điều kiện mới, thuận lợi, qui tụ thêm nhiều nguồn lực cả trong và ngoài nước để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của địa phương. Đề án tập trung vào hướng phát triển hệ thống giáo dục nghiên cứu khoa học theo mô hình hợp tác Ba nhà: Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp sản xuất kỹ thuật cao có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), làm đòn bẩy cho các hạng mục đầu tư đã có trong vùng, tạo ra thêm nhiều địa bàn cư trú và làm việc cho các doanh nghiệp mới và áp dụng những bài học kinh nghiệm tốt nhất từ các nước tiên tiến trên thế giới. Những năm qua, với các chương trình đổi mới, Bình Dương đạt được sự tăng trưởng vượt bậc trong rất nhiều chỉ tiêu như: hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, xuất siêu… Tính đến nay, quy mô kinh tế của Bình Dương đạt trên 412 ngàn 500 tỉ đồng, gấp hơn 105 lần so với năm 1997, GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.000 đô la Mỹ /người, đứng thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI)... Bên cạnh đó, Bình Dương cũng tích cực mở rộng quan hệ hợp tác song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, tạo đột phá mở rộng trên thị trường quốc tế. Liên tục trong 4 năm liền, Bình Dương đã được Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh là một trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới (Smart 21) và 2 năm liền (2021,2022) nằm trong Top 7 khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới.

Để hướng đến nền dịch vụ, sản xuất công nghệ cao mà đổi mới sáng tạo là động lực phát triển, tỉnh Bình Dương đã tập trung mọi nguồn lực nhằm hoàn thiện hệ thống chính phủ điện tử cấp tỉnh, phát triển các hoạt động kinh tế số. Hàng loạt chương trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ, giáo dục hiện đại như: STEM/STEAM, trung tâm đổi mới sáng tạo của tỉnh, các phòng thực nghiệm công nghệ TechLab, FabLab, các vườn ươm doanh nghiệp… đã và đang được triển khai rất chủ động và mạnh mẽ từ chính quyền cũng như viện, trường, doanh nghiệp. Đặc biệt, với mục tiêu hướng tới một chính quyền hoạt động linh hoạt, hiệu quả và có tính chuyên nghiệp cao, tỉnh Bình Dương đã triển khai thí điểm Trung tâm Giám sát - Điều hành thông minh tỉnh Bình Dương (IOC). IOC với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển với hơn 20 lĩnh vực giám sát, điều hành đã được triển khai để khái quát toàn cảnh về các chỉ tiêu phát triển của tỉnh, nhất là các lĩnh vực trọng tâm, thế mạnh của tỉnh như: Chỉ tiêu kinh tế - xã hội; Hành chính công; thông tin du lịch; an ninh trật tự, giao thông; thông tin phòng, chống dịch Covid-19, tương tác, giao tiếp phục vụ công dân, công khai thông tin quy hoạch, giám sát chất lượng môi trường; giám sát hoạt động công nghiệp, giám sát tài nguyên, môi trường, thông tin lĩnh vực y tế, thông tin lĩnh vực giáo dục, thông tin về cung, cầu lao động, cơ sở dữ liệu về trẻ em, bảo trợ xã hội, giáo dục nghề nghiệp, thông tin khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thông tin về chỉ số tiêu dùng, cung cầu hàng hóa, mặt hàng thiết yếu…Việc đưa vào hoạt động Trung tâm IOC và Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy Bình Dương là một bước kế thừa các kết quả đạt được trong việc xây dựng Chính quyền điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan Đảng và Nhà nước trong các giai đoạn vừa qua, đánh dấu một bước phát triển mới trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh bền vững trên địa bàn tỉnh.

Trên thực tế, chuyển đổi số và phát triển công nghiệp 4.0 cũng là một nội dung trong mô hình 5 lớp để xây dựng “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương” – Bước chuyển tiếp của Đề án “ Thành phố thông minh Bình Dương”. Đây cũng là sức bật để Bình Dương từng bước hợp tác, thu hút nhiều tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực khoa học công nghệ, các viện trường trong nước và quốc tế tin tưởng lựa chọn Bình Dương để đầu tư các hoạt động sản xuất tiên tiến.

Để trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, trong chiến lược phát triển sắp tới, Bình Dương đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hướng tới mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế số.

Xây dựng thành phố thông minh không chỉ là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là khát vọng cháy bỏng của lãnh đạo và hơn 2 triệu người dân tỉnh Bình Dương. Chính từ định hướng rõ ràng và đúng đắn của chiến lược thành phố thông minh, trong đó có chiến lược phát triển nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hướng đến phát triển bền vững đã tạo bước đột phá phát triển vượt bậc kinh tế - xã hội, tạo cho Bình Dương trở thành một đô thị đáng sống, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thu hút đầu tư nước ngoài, định vị thương hiệu Bình Dương trên trường quốc tế./.