Theo số liệu thống kê, trong tháng 7/2018, chỉ số sản xuất công nghiệp của Tỉnh Bình Dương tăng 15,84% so với tháng 7/2017, góp phần đưa chỉ số tăng trưởng công nghiệp (IIP) của tỉnh đạt 9,08% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn 0,5% so với chỉ số IIP bình quân chung của cả nước.
Có được kết quả này là nhờ sự điều hành sâu sát của UBND Tỉnh Bình Dương và các ngành hữu quan trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương về sản xuất công nghiệp, phát triển thị trường, cơ cấu lại đầu tư… Bên cạnh đó, Tỉnh cũng đã quan tâm giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính liên quan đến quá trình đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tập trung giám sát và điều hành tốt lĩnh vực tài chính, tín dụng phục vụ sản xuất, đảm bảo mức tín dụng cho sản xuất kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp.
Cùng với đó, hệ thống doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực tổ chức sản xuất và quản trị doanh nghiệp nhằm đảm bảo tăng trưởng sản lượng. Nhờ vậy đã có 41/43 ngành hàng đạt tốc độ tăng trưởng về sản luợng từ 2-28 % so với 7 tháng đầu năm 2017.
Về thị trường xuất khẩu, hiện nay nhiều chủng loại hàng hoá xuất khẩu của các doanh nghiệp đã phục hồi, cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm ở thị trường nội địa sẽ tăng mạnh là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp gia tăng sản lượng hàng hóa.
Nhiều doanh nghiệp cho biết: Sản luợng và doanh thu của toàn hệ thống tăng cao là tín hiệu tích cực giúp doanh nghiệp tiếp tục vuợt qua các áp lực về điều kiện sản xuất và thị trường tiêu thụ. Tuy vậy, doanh nghiệp cũng đang rất cần sự hỗ trợ về nguồn vốn, về chính sách nguồn nhân lực, cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp nguyên phụ liệu, cũng như các hàng rào kỹ thuật để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa hàng hóa sản xuất trong nuớc với hàng hóa nuớc ngòai.
Như vậy, sản xuất công nghiệp ở Bình Dương tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, để ngành công nghiệp phát triển ổn định, về lâu dài Bình Dương cần quan tâm thu hút các dự án có hàm lượng chất xám cao gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, và phát triển các ngành công nghiệp bổ trợ khác… Đây cũng chính là những yêu cầu cần thiết để Bình Dương gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.