Để đảm bảo phát triển bền vững, Bình Dương luôn quan tâm đến việc bảo đảm cảnh quan, môi trường, sức khỏe của cộng đồng, nhất là khu vực phía Nam của tỉnh do có mật độ dân cư cao. Những tháng đầu năm 2017, Bình Dương tiếp tục khởi động nhiều công trình dự án cấp nước, thu gom nước thải đô thị.
Sau hơn 1 năm thi công, Công ty Cổ phần nước Môi trường Bình Dương đã đưa vào sử dụng nhà máy nuớc Bàu Bàng. Đây là nhà máy nước thứ 9 của công ty với quy mô thiết kế lên đến 1 triệu mét khối ngày đêm, trên diện tích gần 18 ha. Giai đoạn 1 dự án khoảng 100.000 mét khối. Riêng trong đợt khánh thành và đưa vào sử dụng lần này, công suất nhà máy đạt khoảng 50.000 m3 / ngày đêm. Với nguồn nước dồi dào từ hồ thủy lợi Phước Hòa, nhà máy nước Bàu Bàng sẽ đảm bảo cung cấp nước sạch cho các doanh nghiệp và hộ dân trong KCN –Đô thị Bàu Bàng, toàn huyện Bàu Bàng nói riêng và góp phần tạo hệ thống cấp nước khép kín từ các huyện phía Bắc đến các huyện, thị thành phố phía Nam tỉnh Bình Dương nói chung, đặc biệt, là KCN-Đô thị Mỹ Phước, thành phố mới Bình Dương, KCN Tân Bình.
Cũng trong dịp đầu năm 2017, Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương đã khởi động nhiều gói thầu, công trình mới. Ngoài việc khởi công gói thầu 4 đấu nối hệ thống thu gom nước thải từ Thủ Dầu Một đến khu vực An Thạnh, TX Thuận An, tỉnh Bình Dương còn xúc tiến đấu thầu để xây dựng nhà máy và các tuyến ống thu gom tại Tx Dĩ An. Dự án này có tổng vốn lên đến 92 triệu đô la Mỹ, có công suất 20.000m3/ ngày đêm. Dự án được triển khai trên địa bàn 5 phường của TX Dĩ An. Sau khi hoàn thành sẽ thu gom nước mưa cho phường Bình An và thoát nước thải cho 4 phường Dĩ An, Tân Đông Hiệp, Đông Hòa và An Bình. Công trình hoàn thành sẽ đảm bảo tính đồng bộ trên toàn lưu vực thoát nước của Dĩ An và có 40 nghìn người được hưởng lợi từ dự án. Riêng các công trình đang triển khai tại Tx Thuận An đang được đẩy nhanh tiến độ.
Nếu đảm bảo tiến độ triển khai các dự án nước thải đô thị, thì Bình Dương sẽ là điểm sáng của cả nước về tỷ lệ khu đô thị có nhà máy xử lý nước thải đạt gần 40%. Điều này sẽ góp phần cải thiện môi truờng sống của người dân, tạo hạ tầng phát triển công nghiệp cho nhiều khu vực, và đặc biệt là giải quyết được những vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường nước của lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Tuy nhiên, điều quan trọng hiện nay, chính là tuyên truyền vận động người dân, cơ sở sản xuất tham gia đấu nối, để có thể phát huy tính hiệu quả của việc đầu tư hạ tầng chiến lược môi trường, vì sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Dương.