Việc tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã tạo nên nền tảng quan trọng, tạo tiềm lực để tỉnh đột phá, là chìa khóa thu hút đầu tư trong tương lai.

Theo lộ trình, trọng tâm thu hút đầu tư trong 5 năm tới của tỉnh Bình Dương là thu hút đầu tư FDI vào ngành công nghệ có chất lượng, giá trị gia tăng cao, sử dụng ít lao động, thân thiện với môi trường, tập trung thu hút vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy hoạch, chú trọng thu hút đầu tư trong nước đối với ngành công nghiệp phụ trợ, cung cấp nguyên liệu cho các tập đoàn lớn, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Theo đó, tỉnh tập trung xây dựng chính sách thu hút các nhà quản lý chuyên nghiệp, chuyên gia giỏi, công nhân kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới. Đặc biệt, tỉnh tập trung đào tạo nguồn nhân lực với chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao, đa dạng hóa và mở rộng các hình thức hợp tác liên kết trong việc cung ứng và đào tạo nguồn nhân lực theo hướng gắn kết giữa đào tạo và sử dụng, tạo điều kiện đổi mới về nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành, nghiên cứu khoa học. Có thể nói, việc tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là công nghệ trong các cấp, đã tạo nên nền tảng quan trọng, tạo tiềm lực để tỉnh đột phá, là chìa khóa thu hút đầu tư trong tương lai.

BÌNH DƯƠNG NÂNG TẦM HỆ THỐNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC

ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO

Bắt đầu hoạt động từ năm 2011 theo mô hình trường đại học của doanh nghiệp. Bên cạnh thực hiện những nhiệm vụ chung của một trường đại học theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo, Trường Đại học Quốc tế Miền Đông còn là thành tố quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu và chiến lược trong từng thời kỳ phát triển của Bình Dương. Trường ĐH quốc tế Miền Đông đóng vai trò nòng cốt trong đề án "Thành phố thông minh" và "Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương" mà ở đó nguồn nhân lực chất lượng cao, văn hoá đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và công nghiệp 4.0 vào sản xuất là nền tảng. Trường ĐH quốc tế miền Đông cũng là thành tố hấp dẫn các nhà đầu tư, góp phần giúp Bình Dương luôn thuộc top đầu cả nước về thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài. Theo định hướng của Đề án Thành phố thông minh, việc phối hợp Ba Nhà để thúc đẩy nghiên cứu khoa học được coi là tiền đề cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội trong thời đại mới. Các phòng thí nghiệm chế tạo/công nghệ/thực tiễn (hay còn gọi là FabLab/ TechLab/ Living Labs) là những phương thức tiên tiến, hữu hiệu trên thế giới để ươm mầm đổi mới sáng tạo, là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà trường. Đây là những không gian mở được trang bị máy móc thiết bị từ cơ bản đến hiện đại, là môi trường cho học sinh, sinh viên, người dân, doanh nghiệp, các tổ chức đến tìm hiểu, trải nghiệm các công nghệ, khuyến khích nghiên cứu ứng dụng khoa học, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới phục vụ cộng đồng. Một số hệ thống Fablab, Techlab, Living Lab tại Bình Dương đã được thành lập và đi vào hoạt động, tiêu biểu như Becamex FabLab, phòng thí nghiệm chiếu sáng Philips EIU tại Đại học Quốc tế Miền Đông, FabLab Công nghệ sinh học và FabLab công nghệ thông tin truyền thông tại Đại học Thủ Dầu Một, phòng thí nghiệm cơ điện của cao đẳng nghề Việt Nam Singapore… Tỉnh cũng đã được phê duyệt thành lập FabLab chung của Bình Dương. Nhiều dự án nghiên cứu khoa học của các đơn vị trong tỉnh đang được mạnh dạn ứng dụng thử nghiệm, phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền, doanh nghiệp và viện trường mang lại những kết quả hết sức khả quan.

Mục tiêu hàng đầu của đề án Thành phố thông minh Bình Dương là thúc đẩy giáo dục đào tạo hiện đại hóa, hướng đến tiêu chuẩn quốc tế, sát yêu cầu thực tiễn thông qua phát huy Ba Nhà, gắn kết viện trường và doanh nghiệp cũng như mở rộng quan hệ quốc tế, từ đó từng bước tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thiết yếu nhất của các nhà đầu tư công nghệ cao. Lực lượng lao động tri thức còn là nền tảng quan trọng nhất giúp tỉnh có thể học hỏi trao đổi kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến, tạo tiềm lực để đột phá. Đề án đẩy mạnh kết nối quốc tế, tăng cường trao đổi kiến thức, kỹ năng cũng như nghiên cứu khoa học với các trường đại học trên thế giới. Ví dụ tiêu biểu như trao đổi sinh viên, nghiên cứu khoa học của Đại học Quốc tế Miền Đông và đại học Paris VI, Đại học Missouri, đại học quốc gia Chungnam… Chính quyền cũng tạo điều kiện cho cán bộ được đi học tập, nâng cao kiến thức, tham quan trao đổi với các thành phố, đối tác nước ngoài, đặc biệt về TPTM, công nghiệp 4.0. Chính quyền và các trường đại học đang tiến hành nhiều đề án kết nối đào tạo với nhu cầu lao động thực tiễn thời đại mới, tổ chức những buổi hội thảo chất lượng tăng cường kiến thức về công nghệ, đưa ra giải pháp cụ thể về đào tạo nguồn nhân lực, như trong đề án của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu phát triển TPTM.

Là trung tâm giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của tỉnh Bình Dương, nên những năm qua, ĐH Thủ Dầu Một đảm nhận vai trò là nhà khoa học trong chiến lược phát triển thành phố thông minh theo mô hình 3 nhà gồm “Nhà nước-Nhà khoa học-Nhà doanh nghiệp”. Trường đã quy tụ đội ngũ các nhà nghiên cứu mạnh trên nhiều lĩnh vực, kết nối các trường ĐH, các nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam trong thực hiện các đề tài về thành phố thông minh, về chuyển đổi số. Đặc biệt, trường ĐH Thủ Dầu Một vinh dự được giao trọng trách xây dựng và thực hiện đề án đào tạo chuyển đổi số cho cán bộ công chức, người lao động, sinh viên, học sinh và người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025. Hàng năm, Trường tổ chức hơn 10 hội thảo quốc gia, quốc tế với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Trong giai đoạn 2009-2022, cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Thủ Dầu Một đã công bố 1.210 công trình nghiên cứu, bài báo quốc tế. Năm 2019 Trường vào Top 30 cơ sở giáo dục có công bố quốc tế tốt nhất Việt Nam. Theo bảng xếp hạng đại học thế giới Webometrics, năm 2022 Trường giữ vị trí 20/184 cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam. Các sản phẩm khoa học đã được ứng dụng, chuyển giao không chỉ góp phần phát triển kinh tế xã hội cho tỉnh nhà, mà còn cho khu vực Đông Nam Bộ và cả nước.

Là trường Đại học ngòai công lập đầu tiên của tỉnh Bình Dương, hơn 20 năm qua Trường ĐH Bình Dương luôn nhất quán với tôn chỉ “xây dựng một nền giáo dục mở”, định hướng phát triển trở thành trường ĐH kinh tế sinh thái đa lĩnh vực, đa cấp, đa hệ đào tạo từ trung cấp chuyên nghiệp-Cao đẳng - đại học - sau đại học và Tiến sĩ. Nhà trường không chỉ chú trọng đến những ngành nghề mang tính thời thượng thu hút sinh viên, mà còn chú trọng đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực xã hội nhân văn, kỹ thuật, tạo sự đa dạng đáp ứng đầy đủ nguồn nhân lực theo yêu cầu của xã hội. Thời gian qua nhà trường cũng đã xây dựng mối liên kết hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, trao đổi tín chỉ các chương trình đào tạo với hơn 30 trường đại học,viện nghiên cứu các nước như Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Belarus, Ba Lan,Trung Quốc. Công tác nghiên cứu khoa học trong sinh viên đã có bước phát triển về số lượng và chất luợng, đạt được một số giải thưởng tiêu biểu. Rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng viên nhà trường đã được công bố trên tạp chí nghiên cứu khoa học quốc tế chuẩn ISI. Những thành tựu trong nghiên cứu khoa học và mô hình liên kết hợp tác quốc tế đào tạo sau Đại học là cơ sở vững chắc để nhà trường tiếp tục phát triển theo hướng trường Đại học có chất lượng cao, tiếp cận chất lượng giáo dục đại học khu vực và quốc tế.

Theo chủ trương lớn của Chính phủ là: xây dựng một số trường đại học xuất sắc nhằm thúc đẩy tiến trình đổi mới Giáo dục đại học ở Việt Nam, năm 2008 Trường Đại học Việt Đức được thành lập. Trường được xây dựng với mục tiêu trở thành khuôn mẫu về quản trị đại học hiện đại, đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao theo mô hình của các đại học Đức. Ngày 11/11 vừa qua tại Bình Dương, Bộ Giáo dục và Đào tạo  đã tổ chức Lễ khánh thành khuôn viên Trường Đại học Việt Đức. Đây là dự án xây dựng trường đại học xuất sắc, trên cơ sở quan hệ hợp tác giữa Bộ GDĐT Việt Nam, Bộ Khoa học và Nghệ thuật Bang Hessen và Bộ Giáo dục và Nghiên cứu CHLB Đức. Trước đótrong tháng 7, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng đã đi khảo sát thực địa để tiến hành triển khai dự án bố trí khu đất với tổng diện tích 50ha phát triển y tế, trong đó có 20ha xây dựng bệnh viện tuyến cuối mang tầm quốc gia ở TP Thủ Dầu Một và 30ha xây dựng đại học Y tại huyện Bàu Bàng.

Có thể khẳng định rằng, con người là yếu tố tiên quyết, là chìa khóa mở ra thành công. Chính vì thế nên đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao là mũi nhọn đột phá trong tất cả các chính sách, định hướng phát triển.  Những dự án trọng điểm về giáo dục đã và đang được triển khai cho thấy tỉnh Bình Dương quyết tâm xây dựng và nâng tầm hệ thống trường đại học để phục vụ cho chiến lược phát triển bền vững của mình./.