Để nâng cao giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp, tỉnh Bình Dương tiếp tục thực hiện “Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” gắn với các chính sách đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất. Nông nghiệp phát

Để nâng cao giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp, tỉnh Bình Dương tiếp tục thực hiện “Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” gắn với các chính sách đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất tập trung và ứng dụng kỹ thuật cao, đưa kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Thực hiện “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, sản xuất nông nghiệp ở Bình Dương từng bước được đầu tư theo qui mô lớn, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Trong đó, chủ yếu là phát triển kinh tế trang trại, tăng diện tích cây lâu năm ở các địa phương phía Bắc của tỉnh. Diện tích cây lâu năm hiện đạt trên 143 ngàn hecta. Trong đó, diện tích cao su đạt trên 134 ngàn hecta, diện tích cây điều đạt gần 1.500 hecta, diện tích cây ăn trái đạt trên 5.400 hecta..Toàn tỉnh có hơn 900 trang trại. Chất lượng hoạt động của trang trại không ngừng được nâng cao khi các trang trại đều hướng vào sản xuất hàng hóa lớn. Giá trị thu được từ nông nghiệp bình quân 1 trang trại là trên 5 tỷ đồng.

Trong chăn nuôi, ngoài các doanh nghiệp đầu tư qui mô lớn, nông dân cũng đã xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi trại lạnh ứng dụng công nghệ cao gắn với đảm bảo môi trường. Toàn tỉnh có trên 500 trang trại chăn nuôi tập trung công nghệ cao như chăn nuôi gà giống, gà đẻ trứng, gà thịt, chăn nuôi heo thịt, heo giống năng suất cao.

Thực hiện tái cơ cấu, sản xuất nông nghiệp ở Bình Dương phát triển theo hướng nâng cao giá trị. Trong 6 tháng đầu năm 2017, sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định; giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,7%; diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt tăng 18%. Hiện nay, tỷ trọng trồng trọt chiếm trên 42%, chăn nuôi trên 53% và dịch vụ chiếm 4,5% trong cơ cấu nông nghiệp. Trong sản xuất, tỷ lệ sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao đạt từ 80-100%, 100% diện tích cây lâu năm được cơ giới hóa trong khâu chăm sóc. Nhờ đó, mặc dù tỷ trọng nông nghiệp giảm trong cơ cấu kinh tế nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng.

Trong giai đoạn 2016-2020, ngành nông nghiệp tỉnh phấn đấu tăng giá trị bình quân 2,5%/năm. Những kết quả đạt được trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật cao vào sản xuất sẽ là đòn bẩy cho quá trình gia tăng giá trị của ngành nông nghiệp địa phương.