Tại hội nghị Cơ hội đầu tư vào Bình Dương được tổ chức cùng lúc với các phiên đối thoại diễn ra trưa nay như : Khôi phục con đường tơ lụa, Đòn bẩy cho các thương hiệu địa phương trong thương mại toàn cầu; Tái phát triển ngành kinh tế nông nghiệp, Ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương đã nhấn mạnh đến những thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng.
Bình Dương là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kinh tế tăng trưởng gấp 1,5 lần và xuất khẩu chiếm 40% so với cả nước. Tổng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Bình Dương hiện đạt 31,7 tỷ USD. Thành công về kinh tế Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng có được chính là nhờ nền tảng chính trị VN ổn định, dân số trẻ; đặc biệt nền tảng quan trọng là Việt Nam đã tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do. Bình Dương đã có những nỗ lực không ngừng về cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Lãnh đạo chính quyền luôn đồng hành giải quyết nhanh, kịp thời khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp.
Trong phiên đối thoại về Khôi phục Con đường Tơ lụa, các đại biểu đánh giá việc Trung Quốc đang tích cực phát triển con đường Tơ lụa mới - một vành đai đường bộ và đường sắt kết nối đến các trung tâm phát triển. Một số tuyến đi qua các hệ sinh thái mỏng yếu, những tuyến khác tương tác với các nhóm đa sắc tộc. Làm thế nào để duy trì tính bền vững trong khi vẫn phát triển các tiềm năng tăng trưởng? Làm thế nào có thể vượt qua những kháng cự tiềm năng.
Phiên đối thoại về Đòn bẩy cho các Thương hiệu Địa phương trong Thương mại Toàn cầu, các đại biểu đã đánh giá một thương hiệu hứa hẹn nhiều hơn đơn thuần là một sản phẩm chất lượng địa phương – nó thể hiện tính bản sắc đặc trưng. Điều gì định nghĩa thương hiệu mạnh? Làm thế nào để thương hiệu vượt qua ranh giới quốc gia và rào cản văn hoá? Những thương hiệu châu Á nào đang là xu hướng là những vấn đề được đặt ra.
Phiên đối thoại Tái phát triển Kinh tế Nông nghiệp, các đại biểu nhấn mạnh dân số ngày càng tăng và tập trung tại các đô thị, mở ra nhiều cơ hội chuyển đổi cho các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp trên khắp Châu Á. Tuy nhiên hiện nay cần cải tiến các chuỗi cung ứng thực phẩm để giảm lãng phí dư thừa và tại điểm bán lẻ để hỗ trợ bán hàng sinh thái. Những thể chế nào là cần thiết để cho phép làm nông nghiệp quy mô lớn với máy móc kỹ thuật số thay vì làm thủ công.