Những năm gần đây công tác xã hội hóa giáo dục luôn được tỉnh Bình Dương hết sức chú trọng, đặc biệt là ở bậc học mầm non. Mạng lưới trường, lớp mầm non ngoài công lập phát triển đều khắp các địa phương, nhất là những vùng có nhiều khu công nghiệp như: thị xã Thuận An, Dĩ An, Bến Cát,Tân Uyên... đã góp phần giảm tải cho các trường công lập trên địa bàn tỉnh.
Đây là công trình trường mầm non Tuổi Thơ thuộc địa bàn phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Công trình được xây dựng với tổng kinh phí hơn 22 tỷ đồng. Công trình gồm 1 trệt 4 lầu được đầu tư xây dựng khang trang, có đầy đủ các phòng học, chức năng, sân chơi đa năng, khuôn viên xanh, hồ bơi... đảm bảo các điều kiện học tập, vui chơi, phát triển thể chất của hơn 650 học sinh đang học tại trường.
Để phục vụ tốt bữa ăn bán trú tại nhà trường, chủ đầu tư đã xây dựng hệ thống bếp ăn công nghiệp một chiều, bố trí các khu từ tiếp phẩm, sơ chế, chế biến, lưu mẫu thức ăn... một cách khoa học, đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 247 trường học được xây dựng theo chủ trương xã hội hoá. Trong đó, giáo dục mầm non có 237 trường; giáo dục phổ thông có 10 trường ngoài công lập. Các trường ngoài công lập, đặc biệt là các trường mầm non tại các khu vực gần khu công nghiệp, tập trung đông lao động nhập cư, đã góp phần đáng kể vào việc giải quyết chỗ học cho học sinh là con em lao động nhập cư.
Không chỉ đầu tư hệ thống trường lớp khang trang, đảm bảo môi trường học tập vui chơi phát triển lành mạnh cho học sinh, đặc biệt là ở bậc học mầm non, trong các năm qua, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm, lực lượng xã hội khác cũng đã tích cực tham gia hỗ trợ vật chất và học bổng cho học sinh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành giáo dục tỉnh với kinh phí bình quân trên 30 tỷ đồng/năm.
Từ hiệu quả đạt được trong công tác xã hội hóa giáo dục, tỉnh đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút các tổ chức doanh nghiệp đầu tư ở lĩnh vực này, đặc biệt là phát triển các mô hình trường mầm non tại các doanh nghiệp.