Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bình Dương đã ghi nhận thêm 5 ổ dịch tả heo châu Phi mới, nâng số ổ dịch trên địa bàn tỉnh lên 7 ổ dịch. Các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách nhằm phòng dịch b

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bình Dương đã ghi nhận thêm 5 ổ dịch tả heo châu Phi mới, nâng số ổ dịch trên địa bàn tỉnh lên 7 ổ dịch. Các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách nhằm phòng dịch bệnh.

BÌNH DƯƠNG TRIỂN KHAI NHIỀU GIẢI PHÁP CẤP BÁCH

TRONG PHÒNG CHỐNG DỊCH TẢ HEO CHÂU PHI

Theo báo cáo mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, chỉ sau 1 tuần phát hiện dịch bệnh, đến nay, Bình Dương đã xuất hiện tổng cộng 7 ổ dịch tả heo châu Phi tại 3 xã, thuộc huyện Phú Giáo và thị xã Tân Uyên. Các địa phương cũng đã tiêu hủy hơn 1.100 con heo nhiễm bệnh với trọng lượng 84.460kg. Dù đã có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhưng nguy cơ dịch bệnh vẫn có thể tiếp tục lây lan. Đặc biệt, bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung với quy mô và số lượng lợn lớn, gây hậu quả khó lường. 

Theo nhận định,  Phú Giáo và Tân Uyên có vị trí tiếp giáp với 2 tỉnh đã xảy ra dịch bệnh là Bình Phước và Đồng Nai. Riêng huyện Phú Giáo là địa bàn chiếm gần 1/3 tổng đàn heo của cả tỉnh, có mật độ giao thông liên vùng khá lớn, nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã. Vì vậy, các địa phương cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung và tổ chức thực hiện quyết liệt kế hoạch ứng phó bệnh dịch tả heo Châu Phi, phù hợp tình hình cụ thể ở địa phương mình.

Với lợi thế quy mô trang trại chiếm hơn 88%, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm hơn 11%, Bình Dương có nhiều thuận lợi trong phòng dịch, song vấn đề còn lại là các ngành, các địa phương cần có kịch bản chống dịch, dập dịch để giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi. Lãnh đạo UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cho từng cấp, từng ngành, tiến tới thành lập các tổ xử lý dịch bệnh ở quy mô cấp trại, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư ứng phó kịp thời, theo đúng quy trình xử lý, an toàn sinh học chuồng trại, chốt chặn không để nguồn heo bệnh tung ra thị trường, ra khỏi vùng dịch bệnh. Bên cạnh đó, các Sở ngành tham mưu cho UBND tỉnh về quy trình xử lý bệnh dịch; về đơn giá đền bù đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi và an toàn môi trường khi chôn lấp. Đặc biệt, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, chủ trang trại phòng chống dịch để đảm bảo nguồn thịt cho thị trường trong thời gian tới.