Chọn đúng trường, ngành yêu thích, phù hợp với năng lực là nền tảng để học sinh, sinh viên phát huy thế mạnh, cũng như có hướng phát triển đúng cho nghề nghiệp tương lai. Để thực hiện mục tiêu này, các trường trung học phổ thông và các trường cao đẳng, đại học ở Bình Dương đang nỗ lực phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh bằng nhiều hình thức.
Bằng nhiều cách khác nhau, các trường THPT lồng ghép tổ chức tư vấn hướng nghiệp trong sinh hoạt dưới cờ, giờ dạy và học hướng nghiệp, hoặc sinh hoạt chủ nhiệm; tọa đàm… nhằm giúp học sinh có cái nhìn bao quát hơn khi chọn ngành nghề. Một số trường còn mời chuyên gia đến tư vấn, hướng dẫn học sinh ghi hồ sơ, chọn nguyện vọng sao cho hợp lý nhất. Song song đó, các trường THPT còn phối hợp với các trường cao đẳng, đại học tổ chức cho học sinh đến tham quan tìm hiểu môi trường và chương trình học tập.
Hiện nay, hầu hết các trường đại học, cao đẳng đều có phương án tuyển sinh và cách tuyển sinh hiệu quả riêng nhằm tạo điều kiện tối đa cho thí sinh như: tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh tại các trường trung học phổ thông, áp dụng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ học bổng toàn phần, bán phần cho học sinh sinh viên có học lực xuất sắc ở những năm học trung học phổ thông…
Một trong những điểm đặc biệt của công tác tuyển sinh năm 2018 là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải công khai tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 năm gần nhất trước một năm so với năm tuyển sinh theo khối ngành trong đề án tuyển sinh. Nắm rõ quy định này, các trường đại học trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã vận dụng hiệu quả, báo cáo công khai tỉ lệ sinh viên có việc làm sau 2 năm tốt nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng để sinh viên có cơ sở chọn lựa nghề nghiệp phù hợp.
Theo dự báo của các chuyên gia, 8 nhóm ngành sẽ cần nguồn nhân lực ở nước ta trong giai đoạn tới, bao gồm: Công nghệ kỹ thuật, kinh tế dịch vụ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, sư phạm, chăm sóc sức khỏe, công nghệ cao trong nông nghiệp, văn hóa - thể dục - thể thao. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 bùng nổ, nhu cầu lao động tại chỗ và cả nước sẽ là nguồn lao động chất lượng cao, vị trí của các ngành công nghệ kỹ thuật (với công nghệ thông tin là trọng tâm), kinh tế dịch vụ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội… sẽ tiếp tục tăng. Vì thế học sinh cần tìm hiểu thật kỹ các ngành nghề và đưa ra quyết định thật sáng suốt để lựa chọn một ngành học tập thích hợp với bản thân mình.