Để thực hiện tốt và hiệu quả các chương trình y tế, ngoài hệ thống điều trị và dự phòng từ tỉnh đến huyện, thị, thành phố, thì tại cơ sở xã phường thị trấn lực lượng y bác sĩ, cộng tác viên y tế vẫn ngày đêm âm thầm thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, động viên bà con thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, nâng cao chất lượng dinh dưỡng trong bữa ăn, chăm sóc bà mẹ và trẻ em…
Y sĩ Trần Thị Kim Chi hiện đang công tác tại trạm y tế phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An. Ngay sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng y tế, chị về công tác tại trạm, nhận nhiệm vụ chuyên trách phòng chống lao và công tác dân số suốt 6 năm qua. Hàng ngày tiếp xúc với bệnh nhân lao, kiên trì theo dõi những diễn biến của bệnh, động viên người bệnh theo đuổi quá trình điều trị, hơn ai hết chị hiểu và chia sẽ với những mặc cảm của bệnh nhân. Y sĩ Chi cũng là người thường xuyên xuống tận địa bàn, thăm hỏi gia đình bệnh nhân, cũng như theo sát chương trình dân số, tuyên truyền bà con nhân dân trên địa bàn thực hiện chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình. Nhiều người dân ở các khu phố không còn xa lạ gì với người cán bộ y tế luôn hòa nhã, nhẹ nhàng và lắng nghe, giải thích cặn kẻ những điều mà người dân chưa hiểu.
Còn với ông Trần Văn Thành, người làm công tác y tế cộng đồng y tế khu vực Bình Hòa, Thị xã Thuận An, trong 10 năm qua ông gần như gắn bó với các khu nhà trọ trên địa bàn. Một mình ông Thành phụ trách 6-7 chương trình y tế từ dinh dưỡng đến kế hoạch hóa gia đình, phòng chống dịch bệnh trên người, an toàn thực phẩm. Ông nắm rõ lịch sinh hoạt của người lao động đang sinh sống tạm trú ở địa phương, thường xuyên kết nối với các chủ nhà trọ để đến gặp người lao động, chia sẽ thông tin, vận động họ tham gia và chủ động phòng chống dịch bệnh, chăm sóc thai kỳ, đưa con đi tiêm ngừa phòng bệnh. Nhiều người quý mến ông như người thân trong gia đình.
Còn đây là hình ảnh quen thuộc diễn ra vào ngày thứ 4 và thứ 5 hàng tuần tại Phòng khám đa khoa khu vực Thuận Giao, thị xã Thuận An. Hơn 200 phụ huynh ẳm bồng con cháu đến để được cán bộ y tế tiêm ngừa. Trao đổi với đại diện lãnh đạo phòng khám thì biên chế của trên giao cho đơn vị là 16 người, tuy nhiên 3 người đang đi học chuyên môn, 2 người nghỉ hậu sản. Những ngày có lịch tiêm chủng, nhân sự của toàn bộ phòng khám phải được huy động hết vào các việc tiếp nhận sổ tiêm chủng, khám tiêm, hướng dẫn trả sổ cho phụ huynh có cháu nhỏ. Không chỉ vậy công tác phòng chống dịch và nhiều chương trình y tế vẫn phải được thực hiện đồng thời. Công việc bộn bề, nhưng nhờ có sự phối hợp với chính quyền địa phương, sự hỗ trợ nhiệt tình từ lực lượng cộng tác viên y tế các khu phố, nên công tác y tế của phòng khám luôn phát huy hiệu quả trong suốt nhiều năm.
Những năm qua, ngành y tế Bình Dương. nói chung đã gặt hái nhiều kết quả đáng khích lệ cả trong công tác dự phòng và điều trị. Tuy nhiên để có được những kết quả này phải kể đến công sức của cả 1 tập thể, toàn bộ hệ thống của ngành từ tỉnh đến cơ sở. Chính nhờ sự nhiệt tâm của những cán bộ y tế cơ sở trong việc tuyên truyền, đưa những chương trình y tế đến sát gần với người dân, đã góp phần giúp người dân có nhận thức đúng, ý thức cao trong phòng tránh bệnh tật, quan tâm hơn đến sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Họ chính là những bông hoa đang tỏa hương trong vườn hoa đẹp của ngành y tế Bình Dương.