Hầu hết các lĩnh vực của đời sống hiện nay đều đã xuất hiện những trường hợp chống người thi hành công vụ. Điều này rất nguy hiểm nếu như không được ngăn chặn và có những biện pháp trừng trị thích đáng.
Vượt đèn đỏ, không đội nón bảo hiểm gần vòng xoay An Phú, thị xã Thuận An, rồi sau đó, khi bị CSGT thổi phạt, lại tiếp tục lao xe, xô đánh CSGT. Đó hành vi của đối tượng Nguyễn Văn An, 31 tuổi, quê ở Thanh Hóa. Bị tạm giữ hình sự để điều tra, đối tượng mới nhận thức rõ sự nông nỗi về hành vi manh động của mình
Chống người thi hành công vụ không còn là hiện tượng, mà thực trạng này đang có chiều hướng gia tăng, trở thành vấn đề nhức nhối của dư luận xã hội. Theo thống kê của Công an tỉnh BD, thực tế số vụ chống người thi hành công vụ trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ không cao so với các vụ vi phạm pháp luật khác, nhưng vẫn ở chiều hướng gia tăng, nhất là trên lĩnh vực quản lý hành chính về trật tư an toàn xã hội. Cụ thể trong năm 2017 đã xảy ra 8 vụ, từ đầu năm 2018 đến nay đã xảy ra 5 vụ. Xuất phát từ nhận thức về pháp luật còn hạn chế và vì muốn bảo vệ lợi ích của mình, mà nhiều người dân dù biết hành vi sai trái, nhưng vẫn cố tình chống đối lực lượng chức năng khi thi hành nhiệm vụ. Hành vi của các đối tượng chống người thi hành công vụ ngày càng manh động, hung hãn, thể hiện sự coi thường pháp luật và có thể bị truy tố. Táo tợn nhất phải kể đến vụ xe thuốc lá lậu tông cảnh sát giao thông mới đây. Khi bị yêu cầu dừng xe kiểm tra, các đối tượng đã điều khiển ô tô tìm cách cản đường và tông nhiều lần liên tiếp vào lực lượng công an, khiến nhiều cán bộ chiến sĩ bị thương.
Mọi hành vi chống người thi hành công vụ là sai trái, không cần phải bàn cãi. Trước sự gia tăng của hiện tượng này, hơn lúc nào hết, bên cạnh sự giáo dục, rất cần sự xử lý nghiêm minh mang tính răn đe. Công tác phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này là một trong những việc làm cần thiết và cấp bách nhằm đảm bảo an ninh trật tự góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của địa phương.