Giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Đài phát thanh Sông Bé chỉ mới phát sóng 1 ngày 3 buổi với 6 tiếng đồng hồ trên tần số 920 KHz băng tần phát thanh AM và do điều kiện đồi núi che chắn nên chưa thể phủ sóng đến 5 huyện phía Bắc của tỉnh Sông Bé. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh ủy và UBND tỉnh Sông Bé, nhằm nhanh chóng phủ sóng phát thanh và truyền hình đến tất cả các địa phương của tỉnh, lãnh đạo Đài phát thanh Sông Bé đã nghiên cứu các giải pháp để triển khai thi công Trung tâm tiếp vận phát thanh và truyền hình Bà Rá trong điều kiện vô cùng khó khăn và thiếu thốn.
Thị xã Phước Long, vùng đất anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với đỉnh núi Bà Rá hùng vĩ cao 723 m. Vào năm 1989, những cán bộ, công nhân viên Đài phát thanh Sông Bé đã bắt đầu chinh phục, nghiên cứu xây dựng tại đây Trung tâm tiếp vận phát thanh và truyền hình Bà Rá. Đây là một công trình được xây dựng trong điều kiện hết sức khó khăn, với đồi núi có độ dốc lớn, tất cả các vật tư, trang thiết bị phục vụ cho quá trình xây dựng Trung tâm tiếp vận trên đỉnh núi đều phải sử dụng bằng sức người. Bên cạnh đó, thời tiết thì mưa nắng thất thường, sấm sét, sốt rét, rắn rết đã gây ra vô vàn khó khăn cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên thi công công trình.
Với nổ lực và quyết tâm cao của lãnh đạo, công nhân viên Đài phát thanh Sông Bé, cùng với sự đùm bọc giúp đỡ của chính quyền và nhân dân Phước Long, cũng như các doanh nghiệp bằng cả vật chất, lẫn tinh thần, ngày 18/12/1991 công trình Trung tâm tiếp vận phát thanh và truyền hình Bà Rá đã chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng. Từ đây, 05 huyện phía Bắc của Sông Bé không còn là “vùng trắng” thông tin. Nhân dân, đặc biệt là Đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây đã dễ dàng tiếp cận với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước qua làn sóng PT-TH.
Đài Tiếp vận phát thanh truyền hình Bà Rá - một công trình lớn của Đài phát thanh Sông Bé, đã trở thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu để hình thành nên Đài PT-TH Sông Bé, tiền thân của đài phát thanh truyền hình Bình Dương và Bình Phước sau này. Từ đây bên cạnh loại hình báo chí phát thanh, báo chí truyền hình đã trở thành một mũi nhọn quan trọng trong công tác thông tin và tuyên truyền của Đài phát thanh và truyền hình Bình Dương. Sau gần 30 năm tồn tại, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của khoa học và công nghệ, Đài Tiếp vận phát thanh truyền hình Bà Rá đã kết thúc sứ mệnh lịch sử. Song đối với những người làm công tác phát thanh truyền hình của Bình Dương và Bình Phước, nó vẫn mãi là dấu ấn không thể nào quên về sự mở đầu cho những đột phá đối với lĩnh vực phát thanh và truyền hình. Đồng thời cùng làm nên tên tuổi của BTV trong suốt 40 năm tồn tại và phát triển.