Hôm nay 22/5, ngày truyền thống Phòng chống thiên tai của Việt Nam. Đây là sự kiện được thường niên nhằm cảnh báo và khuyến khích, động viên cả xã hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Điều này là hết sức cần thiết khi mà biến đổi khí hậu đang diễn biến hết sức phức tạp, thất thường trên diện rộng.
Đây là hiện trường một vụ việc ảnh hưởng của thiên tai vừa xảy ra trên địa bàn Tx Bến Cát. Công trình nhà xưởng tiền chế của Công ty TNHH WAPS Việt Nam chuyên sản xuất vật liệu xây dựng, 100% vốn Hàn Quốc đóng tại đường NA4 Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, bất ngờ đổ sập, đè chết một công nhân, làm bị thương 3 công nhân khác khi bị dông lốc cùng mưa lớn quét qua. Không chỉ ảnh hưởng về người, thiệt hại về tài sản do thiên tai không ngừng tăng lên qua từng năm, đặc biệt khi bước vào cao điểm mưa bão.
Theo đánh giá, Việt Nam là 1 trong 5 nước bị tác động biến đổi khí hậu sâu sắc với 21 loại hình thiên tai. Đặc biệt là bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn xảy ra trên diện rộng, lũ quét, hạn hán, nước mặn xâm nhập sâu vào trong đất liền, sạt lở bờ sông,…xảy ra ở khắp các vùng miền trong cả nước. Đáng lo ngại, thiên tai ngày càng gia tăng và diễn biến bất thường với tần suất nhiều hơn, cường độ lớn hơn, thiệt hại nghiêm trọng hơn. Riêng năm 2017, thiên tai gây ra hậu quả nặng nề mà nhiều năm mới khắc phục được. Thiên tai đã làm chết 386 người, tổng thiệt hại về kinh tế lên đến 60.000 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2016, gấp 3 lần so với trung bình nhiều năm. Riêng trên địa bàn tỉnh, vài năm trở lại đây, đã xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc, sét đánh chết người thậm chí cả mưa đá. Dự báo năm 2018 và các năm tiếp theo, diễn biến thời tiết, thiên tai diễn biến rất thất thường, trái quy luật.
Theo nhận định của các chuyên gia, khi mà công tác dự báo về thiên tai chưa đáp ứng yêu cầu; các cấp chính quyền có nơi vẫn còn tâm lý chủ quan; các công cụ, giải pháp ứng phó chưa theo kịp với tác động của biến đổi khí hậu, thì sự “chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả”, theo phương châm bốn tại chỗ của chính quyền cơ sở, chính là giải pháp hiệu quả góp phần giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.