Với người Bình Dương, con đường Hàng Dương xưa hay đường Bạch Đằng ngày nay mãi là con đường đẹp nhất đất này. Đó không chỉ là cái đẹp thuần túy về phong cảnh, mà ẩn sâu là bề dày lịch sử văn hóa.

Tục ngữ có câu “người ta là hoa đất”. Chính con người bằng trí tuệ và sức lực của mình qua nhiều thế hệ đã tạo dựng và vun đắp nên lịch sử văn hóa truyền thống vùng đất nơi họ sinh ra và lớn lên. Chính vì thế tên người, tên nghề đã gắn liền với tên đất tên làng. Để hôm nay trên đất Bình Dương, đi trên những con đường thương yêu như thế này với những tên gọi giản dị, thân quen mà như sống lại với bao kỷ niệm, như đắm mình trong nét đẹp văn hóa đặc trưng vùng đất Thủ.

CHUYỆN VỀ MỘT CON ĐƯỜNG

Lịch sử hơn 300 năm với bao thăng trầm đổi thay nhưng những gì tinh túy vẫn mãi còn với thời gian, Chính giá trị văn hóa vững bền ấy mà ngày nay hậu thế mặc nhiên định danh cho những con đường. Với người Bình Dương, con đường Hàng Dương xưa hay đường Bạch Đằng ngày nay mãi là con đường đẹp nhất đất này. Đó không chỉ là cái đẹp thuần túy về phong cảnh, mà ẩn sâu là bề dày lịch sử văn hóa. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì đây chính là con đường chính dẫn vào lỵ sở huyện Bình An xưa, tồn tại từ trước năm 1623 khi vùng đất này còn thuộc Thủy Chân Lạp. Là con đường xưa nhất nên đường Hàng Dương gắn liền với một địa danh làm nên tên gọi vùng đất Thủ Dầu Một. Về tên gọi Thủ Dầu Một, có nhiều cách lý giải khác nhau nhưng cho đến hôm nay các nhà nghiên cứu dường như đã thống nhất với cách giải thích sau đây. Cụm từ “Thủ Dầu Một” gồm 2 thành tố là “Thủ” và “Dầu Một”. Trong đó, “Thủ” là từ Hán Việt chỉ đồn binh án ngữ trên sông. Theo thời gian, dần dần từ “Thủ” đã được dân gian hóa thành tên đất tên làng, nên mới có sự xuất hiện các tên gọi như: đất Thủ, chợ Thủ. Còn thành tố “Dầu Một” xuất phát từ cách gọi dân gian gắn kết với đặc điểm địa hình nổi bật là trên ngọn đồi có một cây dầu rất to. Như vậy, Thủ Dầu Một hiểu theo cách gọi dân gian chính là vùng đất có đồn binh đứng cạnh một cây dầu to. Theo các tư liệu thì đặc điểm địa hình xuất phát nên tên gọi Thủ Dầu Một ấy chính là ngọn đồi Phú Cường nằm bên tả ngạn sông Sài Gòn trên đường Hàng Dương, trồng toàn cây dầu, trong đó có một cây cao lớn trăm tuổi nổi trội hơn tất cà. Ngọn đồi Phú Cường ấy xưa có đồn binh trấn giữ của huyện Bình An, và về sau trở thành đồn binh Pháp, tòa bố chính, tòa hành chính của chính quyền cũ, trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương và nay là Thành ủy Thủ Dầu Một. Chính De Grammont, sĩ quan quân đội Pháp, từng chỉ huy đồn binh Thủ Dầu Một những năm 1861, 1862 đã có những ghi chép về con đường Hàng Dương một cách rất nên thơ: “Xuôi về phía nam, ven đường là thị trấn Phú Cường với những mái ngói chìm trong những tàn cây xanh, trên bến là những thuyền buồm sặc sỡ. Ngôi chợ ở khúc đường đầu tiên chiếm vị trí làm nền cho bức tranh. Ở bên phải và bên trái là những bụi cây nhỏ và cây cau non dường như muốn ép lấy bến cảng. Những thân cây dầu trần và rất cao tạo thành vòng đai của cảng. Dưới chân chúng, một cây đa đã có hơn trăm tuổi đứng hùng vĩ như hình ảnh kẻ vươn tay che chở bảo vệ vùng đất này”. 

Như vậy, theo như ghi chép của De Grammont, trong bức tranh tổng thể đường Hàng Dương xưa thì ngôi chợ hiện lên nổi bật. Đó chính là chợ Thủ Dầu Một. Cùng với sự thay đổi nhiều tên tổng và thôn của huyện Bình An, địa danh Phú Cường xuất hiện vào khoảng năm1838-đời Vua Minh Mạng thứ XVIII. Nằm trên địa phận Phú Cường nên khởi nguồn của Chợ Thủ Dầu Một còn có tên gọi là chợ Phú Cường. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí đã nói đến tên chợ Phú Cường như sau: “Chợ Phú Cường ở thôn Phú Cường, huyện Bình An tục danh gọi là chợ Thủ Dầu Miệt ở bên lỵ sở huyện, xe cộ ghe thuyền tấp nập đông đảo”. Sau khi người Pháp chiếm Nam Kỳ lục tỉnh, họ đã tiến hành chỉnh sửa chợ Phú Cường với cổng lát đá và đắp đường cao bên trong. Đến năm 1899, tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập, chợ Phú Cường trở thành chợ tỉnh Thủ Dầu Một. Từ đó, tên chợ Thủ hoặc Thủ Dầu Một được nhắc nhiều đến trong dân gian và cả trong thơ ca sách báo. Như nhiều khu trung tâm buôn bán sầm uất xưa nay của vùng Ðông Nam Bộ, chợ Thủ Dầu Một - Bình Dương theo dòng thời gian gắn liền với những biến động thăng trầm, chứng kiến sự phát triển kinh tế xã hội, là biểu hiện sinh động nhịp sống văn minh đô thị của người Bình Dương. Chợ không chỉ là nơi buôn bán, mà còn được coi như bộ mặt văn hóa của cả vùng dân cư. Nhìn vào "cái chợ" người ta có thể đoán biết về sự phát triển kinh tế - xã hội, trình độ dân trí, và cung cách quản lý xã hội trên mảnh đất mà "cái chợ" đó tọa lạc.

Gắn liền với con đường Hàng Dương và chợ Thủ Dầu Một là những chuyến xe thổ mộ. Dấu xưa đã không còn nhưng ký ức mãi không phai mờ với những người Bình Dương lớn tuổi. Đó là những buổi sớm tinh sương các bà, các mẹ vắt vẻo với bao nhiêu là hàng hóa trên chiếc xe ngựa lọc cọc đến chợ. Thủ Dầu Một được xem là một trong những nơi đầu tiên sản sinh ra chiếc xe ngựa hay còn gọi là xe thổ mộ ở Nam bộ. Ngày xưa tại chợ Thủ có 3 bến xe thổ mộ nằm ở đường Hàng Dương và đường Trưng Vương với gần 50 chiếc. Từ bến xe này, xe ngựa tỏa đi các hướng về Bến Thế, Bưng Cầu, Thuận Giao, Tân Khánh…Có thể thấy, ngày ấy chợ Thủ có rất nhiều xe thổ mộ nên đã được miêu tả trong bài “Vè chợ thủ” với những câu như:

“xuống tới đầu chợ

Trại cưa trước mặt

Thổ mộ có hàng”.

Rõ ràng đường Hàng Dương với “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo” mãi là một điểm nhấn đặc biệt không phai. Và có một điểm nhấn không thể không nhắc đến trên con đường thân thương này chính là ngôi trường Bá Nghệ nổi tiếng. Được xây dựng từ năm 1901 do người Pháp quản lý, trường Mĩ Nghệ bản xứ Thủ Dầu Một là loại hình trường thực hành, trường dạy nghề đa dạng nên dân gian thường gọi là trường Bá Nghệ. Từ năm 1901-1914 trường tọa lạc phía sau dinh Tỉnh trưởng Thủ Dầu Một. Giai đoạn 1914-1932 trường dời về địa điểm đối diện nhà việc Phú Cường. Đến năm 1932 trường đổi tên thành Trường Mĩ nghệ thực hành Thủ Dầu Một và trụ sở đóng tại đường Bạch Đằng cạnh bờ sông Sài Gòn, là một trong những cái nôi mĩ thuật đầu tiên của Đông Dương. Lặng lẽ cùng thời gian, ngôi trường ấy như một nhân chứng khẳng định rằng: dẫu qua bao thăng trầm nhưng những ngành nghề truyền thống vẫn trường tồn, như đôi tay, khối óc và tâm hồn những người con đất Thủ vẫn mãi tài hoa.

Trong cuốn “Bình Dương 300 năm: Đất lành chim đậu”, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã viết “Nam Bộ có nhiều “Thủ” lắm. “Thủ” vừa là thị tứ vừa là đồn binh canh giữ an ninh. Sài Gòn có Thủ Ngữ. Cạnh Bình Dương có Thủ Đức. Bản thân Bình Dương có Thủ Dầu Một, xa xưa đã là thị tứ. Bình Dương vốn mang gien đô thị từ 300 năm”. Đây là một kiến giải hết sức thú vị về bản sắc làm nên nội lực của đô thị Thủ Dầu Một ngày nay, chính là sự gắn kết rất chặt chẽ giữa quá khứ với hiện tại. Từ đường Hàng Dương xưa với những dấu ấn văn hóa sâu đậm, đến những đổi thay mạnh mẽ trong quá trình đô thị hóa của đường Bạch Đằng ngày nay là một minh chứng cụ thể nhất. Vào ngày 2-9 vừa qua, tỉnh Bình Dương đã tổ chức khánh thành phố đi bộ và chợ đêm Bạch Đằng, như một công trình trọng điểm chào mừng 77 năm ngày quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam. Dự án Phố đi bộ Bạch Đằng được khởi công từ tháng 8/2017, có diện tích hơn 2,4ha, chiều dài đoạn đường 762m với tổng vốn đầu tư hơn 650 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng khoảng 434 tỷ đồng, còn lại là chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng. Công trình có công viên đi bộ rộng 15m chạy dọc bờ sông Sài Gòn với nhiều cây xanh, hạng mục tiểu cảnh, hệ thống thoát nước, đèn đường chiếu sáng và đèn trang trí hiện đại. Phố đi bộ Bạch Đằng được bố trí gồm các phân khu, như: Khu văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí; khu bán hàng tổng hợp; khu ẩm thực, ăn uống, hàng lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ... Từ đó, dần dần phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch văn hóa gắn với đất Thủ - Bình Dương.

Có thể khẳng định rằng việc cải tạo, nâng cấp các tuyến đường trung tâm tạo bộ mặt đô thị khang trang, sạch đẹp, văn minh, hiện đại chính là một trong những chủ trương lớn được thành phố Thủ Dầu Một tập trung đầu tư. Với việc khánh thành và đưa vào hoạt động chợ đêm và phố đi bộ Bạch Đằng hứa hẹn sẽ là điểm đến thân thuộc của người dân thành phố, cũng chính là viết tiếp những ước mơ, những khát vọng của bao thế hệ người dân đất Thủ

Trong vòng quay hối hả của cuộc sống, như một lẽ tự nhiên mỗi ngày ta hững hờ đi qua biết bao con đường. Nếu một ngày bình tâm ta sẽ chợt nhận ra rằng mỗi con đường ngỡ như vô tri ấy vẫn và sẽ mãi kể với chúng ta hôm nay và những thế hệ tiếp theo biết bao câu chuyện về lịch sử, văn hóa và những giá trị nhân văn cao đẹp. Hàng Dương xưa và Bạch Đằng hôm nay sẽ mãi in đậm trong trái tim mỗi người dân đất Thủ cũng bởi những điều thân thương như thế./.