Tiếp tục các nội dung của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14, sáng 8/11, Quốc hội nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), sau đó Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật này.
Dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 72 điều, tăng thêm 8 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc Hội tháng 5/2017 và tăng thêm 22 điều so với Luật hiện hành.
Trong phiên thảo luận trước đó, những đại biểu chưa nhất trí với hình thức tố cáo nặc danh, tức đơn tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ người tố cáo, vì công dân phải chịu trách nhiệm nếu cố tình tố cáo sai sự thật. Ngoài ra, một nội dung cũng được nhiều đại biểu đóng góp ý kiến và tranh luận đó là việc bảo vệ người tố cáo.
Giải trình nội dung này, Chính phủ cho rằng dự thảo quy định không giải quyết tố cáo nặc danh, không rõ họ tên địa chỉ người tố cáo nhằm đề cao trách nhiệm của người tố cáo. Tuy nhiên, để không bị bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật, Chính phủ cho rằng cần có quy định hợp lý về cơ chế và trách nhiệm trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin về hành vi vi phạm được phản ánh qua tố cáo nặc danh phục vụ yêu cầu quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra.
Về việc bảo vệ người tố cáo, Chính phủ tiếp thu ý kiến và bổ sung, chỉnh lý tại Điều 49 theo hướng: cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ khi người được bảo vệ thuộc quyền quản lý của mình…
Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và Dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.