Tại buổi giám sát về tình hình và kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong sáng 7/8, các thành viên Ban văn hoá xã hội -Hội đồng nhân dân tỉnh đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến công tác phòng chống bạo lực xâm h

Tại buổi giám sát về tình hình và kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong sáng 7/8, các thành viên Ban văn hoá xã hội -Hội đồng nhân dân tỉnh đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến công tác phòng chống bạo lực xâm hại trẻ, phòng chống đuối nước, công tác điều tra xử lý tội phạm bạo lực xâm hại trẻ.

Theo ý kiến chung của các đại biểu, công tác chăm lo cho trẻ em hiện còn nhiều hạn chế. Cụ thể như: truyền thông giáo dục về kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ chưa hiệu quả; Đội ngũ cán bộ phụ trách công tác trẻ em ở xã, phường, thị trấn, thậm chí là cấp huyện không nắm bắt chuyên môn nên chưa có sự chủ động tham mưu cho lãnh đạo triển khai hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ phù hợp; Công tác phối hợp của các ngành liên quan cấp tỉnh chưa đồng bộ, kịp thời; Việc đấu tranh, phòng ngừa, thực thi pháp luật đối với các vụ việc trẻ bị bạo lực, xâm hại chưa đủ mạnh. Những hạn chế này là nguyên nhân khiến các vụ việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại vẫn còn cao. Từ năm 2016 đến nay, công an tỉnh tiếp nhận 85 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Một số vụ việc chỉ một đối tượng nhưng xâm hại nhiều trẻ trong thời gian dài.Tuy nhiên đây là con số chưa đầy đủ, bởi nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại, nhưng gia đình không trình báo với cơ quan chức năng. Ngoài ra, trong hai năm 2016, 2017 và 7 tháng đầu năm 2018, Bình Dương có 27 trẻ tử vong do đuối nước.

Qua trao đổi thẳng thắn, các đại biểu thống nhất cần có nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc thù của từng địa phương và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa các cơ quan chức năng để làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong thời gian tới.