Trải qua các giai đoạn lịch sử, Công đoàn Việt Nam luôn phát huy tốt vai trò của mình, có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đồng hành cùng đất nước đi lên Chủ nghĩa Xã hội.

Cách đây 90 năm, ngày 28/7/1929, Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ - tiền thân của Tổng LĐLĐ Việt Nam được thành lập, đánh dấu sự phát triển, trưởng thành của giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam. Trải qua các giai đoạn lịch sử, Công đoàn Việt Nam luôn phát huy tốt vai trò của mình, có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đồng hành cùng đất nước đi lên Chủ nghĩa Xã hội.

CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM – 90 NĂM TÔI LUYỆN VÀ TRƯỞNG THÀNH

Trước yêu cầu của lịch sử đấu tranh cách mạng và sự phát triển lớn mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam, ngày 28/7/1929, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, tại số nhà 15, phố Hàng Nón, Hà Nội đã diễn ra Đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Trung ương lâm thời Tổng Công hội đỏ, do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Ủy viên lâm thời Ban chấp hành Đông Dương Cộng sản Đảng đứng đầu. Sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ là kết quả tất yếu của phong trào công nhân do Đảng lãnh đạo, là sự kế thừa truyền thống của Công hội đỏ Ba Son do người công nhân ưu tú Tôn Đức Thắng (sau này là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch danh dự của Tổng Công đoàn Việt Nam) sáng lập, là kết quả của sự truyền bá lý luận và tư tưởng đúng đắn, sáng tạo về Công đoàn cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thông qua các đảng viên Cộng sản vào phong trào công nhân nước ta. Đồng thời đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam. Kể từ đây, giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, đứng ra dẫn dắt phong trào. Trong thời kỳ này, các tổ chức Công hội đóng vai trò quan trọng trong việc vận động, tập hợp công nhân, cùng nhân dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng 8 thắng lợi, giành chính quyền về tay nhân dân.

Tiếp tục sứ mệnh của mình, Công đoàn phát huy vai trò cổ vũ phong trào thi đua ái quốc trong công nhân và đồng bào cả nước, huy động sức người sức của phục vụ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Cũng như tái thiết, xây dựng đất nước sau ngày giải phóng và thực hiện công cuộc đổi mới sau này.

Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, những năm qua, Công đoàn Việt Nam không ngừng nỗ lực phát huy vai trò của mình, cũng cố xây dựng phát triển tổ chức công đoàn ngày càng lớn mạnh. Các cấp công đoàn đã tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, động viên công nhân lao động tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng, góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

7 lần thay đổi tên gọi và 12 kỳ Đại hội với những mục tiêu, hành động cụ thể khác nhau theo từng giai đoạn. Nhưng dù trong thời điểm lịch sử nào, mục tiêu và bản chất đại diện cho giai cấp công nhân Việt Nam của tổ chức Công đoàn cũng không hề thay đổi. Luôn  thể hiện rõ các giá trị cốt lõi nhất quán của tổ chức Công đoàn: Gắn bó máu thịt với dân tộc; Trung thành tuyệt đối với lý tưởng, lợi ích tối cao của dân tộc, của giai cấp;Trung thành với lý tưởng của Đảng Cộng sản do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập; Tinh thần triệt để cách mạng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với từng thời kỳ. Tất cả đã tạo nên bản sắc và sức mạnh của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong suốt chặng đường 90 năm tôi luyện và trưởng thành.

Chương trình thời sự  tổng hợp 11 giờ 30 ngày 25/7:

http://btv.org.vn/video/chuong-trinh-11-gio-30-ngay-25-7-2019-40890.html