Đến nay, nền kinh tế công nghiệp Bình Dương đã chiếm gần 64% trong GDP của tỉnh với chỉ số phát triển IIP hàng năm đạt gần 10%; đồng thời tạo được giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu hàng hoá chiếm hơn 10%/tổng giá trị sản xuất công nghiệp và tổng giá t

Đến nay, nền kinh tế công nghiệp Bình Dương đã chiếm gần 64% trong GDP của tỉnh với chỉ số phát triển IIP hàng năm đạt gần 10%; đồng thời tạo được giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu hàng hoá chiếm hơn 10%/tổng giá trị sản xuất công nghiệp và tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Điều này cho thấy nền công nghiệp Bình Dương có qui mô rất lớn, đa ngành và đạt hiệu quả rất tốt.

CÔNG NGHIỆP BÌNH DƯƠNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Các yếu tố để tạo nên một nền công nghiệp có tốc độ phát triển nhanh là nhờ chính sách trải thảm đỏ mời gọi đầu tư từ tỉnh Sông Bé trước đây, tiếp tục được kế thừa từ khi tỉnh Bình Dương được tái lập vào năm 1997 đến nay. Cùng với việc  nỗ lực tạo môi trường đầu tư thông thoáng, để các doanh nghiệp trong và ngoài nước an tâm khi đến đầu tư, tỉnh Bình Dương còn tập trung xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển. Nhờ vậy trong những năm qua, Bình Dương đã thu hút được một lượng dự án đầu tư rất lớn vào địa phương. Tính đến cuối tháng 7 năm 2019, Bình Dương đã thu hút hơn 43.750 dự án đầu tư. Trong đó có gần 3.662 dự án FDI, với số vốn đầu tư gần 34 tỷ USD và gần 40.100 dự án có vốn đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư 338.000 tỷ đồng. Trong số này đã có hơn 95% số dự án được đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo.

Thực tế cho thấy, nền kinh tế công nghiệp Bình Dương thực sự lớn mạnh kể từ  năm 1997 (khi Bình Dương được tái lập) và phát triển đa ngành, liên tục thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nếu ở 15 năm đầu (1997-2012) các ngành may mặc, giày, gỗ, thép…đóng vai trò chủ lực, thì trong vòng 7 năm qua các ngành: dược phẩm, công nghệ, điện tử phát triển rất mạnh, đang có sự gia tăng về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu rất lớn. 7 tháng đầu năm 2019, Bình Dương đã đạt giá trị xuất khẩu hơn 15 tỷ USD, tăng gần 13,5 % so với cùng kỳ năm trước. Đây là tiền đề cho nền công nghiệp đang hướng tới giá trị gia tăng cao.

  Tỉnh Bình Dương đã và đang tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, công nghiệp chế biến nguyên phụ liệu…Với những tiền đề đã tạo dựng được trong thời gian qua, cùng sự nỗ lực chung của tỉnh và cộng đồng các doanh nghiệp, chắc chắn lĩnh vực công nghiệp của tỉnh sẽ có sự phát triển vuợt bậc về công nghệ sản xuất, hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao trong sản phẩm, đáp ứng tốt yêu cầu cạnh tranh hội nhập hiện nay.