Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế đưa ra quy định ngân hàng thương mại định kỳ cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng cho cơ quan thuế.Điều này đang thu hút sự quan tâm của dư luận; nhất là đối với các doanh nghiệp. Vậy việc cung cấp thông tin này thực sự có đáng lo ngại?
Theo Dự thảo luật quản lý thuế, Ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản của người nộp thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan quản lý thuế; đồng thời khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... Trong khi Luật các tổ chức tín dụng chỉ yêu cầu Ngân hàng cung cấp những thông tin trên cho Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan công an đang điều tra vụ án. Thậm chí, Ngân hàng có quyền từ chối yêu cầu cung cấp nếu chưa khởi tố vụ án.
Thông tin của doanh nghiệp tại ngân hàng được xem là thông tin riêng tư. Nếu quy định mở như hiện nay, thì có khả năng hiểu theo nhiều cách khác nhau, việc áp dụng có thể rất tùy tiện trên thực tế.
Quan hệ giữa ngân hàng thương mại và người nộp thuế là quan hệ dân sự. Khi ký kết hợp đồng, ngân hàng cần phải cho khách hàng của mình biết các trường hợp thông tin của họ sẽ được cung cấp cho bên thứ ba. Vì vậy, trong một số trường hợp, việc cung cấp thông tin của người nộp thuế để phục vụ, bảo đảm thực hiện trách nhiệm của cá nhân, doanh nghiệp là hợp lý. Nhưng phải quy định rõ việc cơ quan thuế được yêu cầu ngân hàng cung cấp ở mức nào, nếu không sẽ dẫn đến sự lạm quyền và làm lộ thông tin của khách hàng, để bảo đảm quyền - lợi ích của cá nhân, tổ chức và bảo đảm ngân hàng không phải chịu gánh nặng tuân thủ yêu cầu này của cơ quan quản lý thuế.