Đến năm 2020, các nguồn tài trợ quốc tế về thuốc ARV (tức là thuốc kháng virus HIV) sẽ giảm và cắt dần. Vì vậy việc đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho tiếp cận nguồn thuốc này với bệnh nhân nhiễm HIV đang được ngành y tế chuyển dần sang nhiệm vụ của quỹ BHYT.
Sợ kỳ thị từ cộng đồng khiến người đàn ông này không dám tham gia BHYT sau khi nhiễm HIV. Tuy nhiên, sau khi được thông báo sẽ cắt giảm nguồn viện trợ thuốc ARV và sẽ phải tự bỏ tiền để khám và điều trị căn bệnh của mình, cuối năm 2017 anh đã tự nguyện mua thẻ BHYT.
Trước kia thuốc ARV để điều trị cho người nhiễm HIV ở Việt Nam đang miễn phí chủ yếu do nguồn tài trợ quốc tế, tuy nhiên nguồn lực này sẽ bị cắt giảm dần và chấm dứt hỗ trợ cung cấp dịch vụ trực tiếp sau năm 2020. Trước tình trạng này, chính phủ đã yêu cầu chuyển dần nhiệm vụ điều trị HIV/AIDS từ các chương trình, dự án viện trợ sang Quỹ Bảo hiểm Y tế. Tuy nhiên trước kia, người nhiễm HIV thường e ngại bị lộ danh tính, cộng đồng kỳ thị nên tỷ lệ người nhiễm có thẻ BHYT chỉ đạt 30%. Từ năm 2015 đến nay, nhờ sự vào cuộc của nhiều địa phương trong việc hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT, tỷ lệ này đã tăng nhanh chóng lên 89%.
Tại hội thảo "Hướng dẫn tiếp nhận, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán thuốc ARV nguồn BHYT năm 2019" do Bộ Y tế tổ chức, nhiều chuyên gia quốc tế đã đánh giá cao về nỗ lực của Việt Nam trong việc phòng chống HIV/AIDS. Việt Nam cũng là nước duy nhất và đi đầu trong việc sử dụng nguồn lực trong nước thông qua BHYT để hỗ trợ các dịch vụ điều trị HIV cho người dân.
Hiện nay đã có 35 tỉnh thành phố được cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hỗ trợ mua thẻ BHYT. 18 tỉnh thành phố đã phê duyệt ngân sách cho hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV. Đây sẽ là một trong những nguồn lực quan trọng để Việt Nam thực hiện mục tiêu 90-90-90 đến năm 2020.