Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0, hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường đại học sẽ phải đối mặt với những yêu cầu về cải cách và cạnh tranh mới. Đây là thách thức lớn, nhưng đồng thời cũng là cơ hội vàng để các trường đại học –cao đẳng tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ trong các ngành CNTT, Điện, điện tử…
Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cao trong công việc, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Bình Dương đã có những cải tiến trong chương trình đào tạo. Điển hình như trường đại học Thủ Dầu Một, qua 8 năm hình thành và phát triển, nhà trường đã phân tích lại toàn bộ chương trình đào tạo của mình, đưa nội dung đào tạo đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0. Ngành nghề trọng điểm của nhà trường được trang bị máy móc công nghệ cao, đào tạo theo hướng ứng dụng, thực hành cho sinh viên. Ngoài các chương trình học trên lớp, nhà trường còn chú trọng tạo môi trường tốt để sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin… Trong giai đoạn 2012-2017, sinh viên Trường đại học Thủ Dầu Một đã thực hiện hơn 1 ngàn 500 đề tài khóa luận, đồ án tốt nghiệp. Hằng năm, các khóa luận, đồ án tốt nghiệp được Hội đồng đánh giá xếp loại xuất sắc được Trường xem xét hỗ trợ kinh phí thực hiện như đối với đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên.
Để đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, công tác đào tạo nguồn nhân lực nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng bắt buộc phải đổi mới từ hoạt động đào tạo đến quản trị nhà trường. Việc thay đổi phải bắt đầu từ tư duy của những người trong cuộc, sẵn sàng tiếp nhận những thành tựu khoa học công nghệ, xây dựng mô hình đào tạo mở, tạo cơ hội tương tác nhiều hơn cho cả người dạy và người học. Đồng thời gia tăng sự kết nối, chia sẻ thông tin, lợi ích, cũng như trách nhiệm giữa cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sử dụng lao động.
Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những ưu thế về lực lượng lao động trẻ dồi dào và chi phí thấp của các nước đang phát triển như nước ta sẽ không còn là thế mạnh. Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) có đến 86% lao động cho các ngành Dệt may và Giày dép của Việt Nam có nguy cơ cao mất việc làm dưới tác động của những đột phá về công nghệ do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Nguy cơ này có thể chuyển thành con số thiệt hại không nhỏ khi các ngành như dệt may, giày dép đã tạo ra số lượng lớn việc làm cho lao động trong nước. Khi máy móc làm thay con người, sự dôi dư nguồn nhân lực sẽ trở thành lực cản của quá trình phát triển trong tương lai. Nhưng nhìn theo hướng phát triển, đây là cơ hội vàng cho gần 80.000 sinh viên công nghệ thông tin bước vào thị trường lao động từ nay đến hết năm 2018, và nếu tính tới năm 2020, số nhân lực ngành công nghệ thông tin thiếu hụt sẽ lên tới hơn 500.000 người.