Việc tăng nguồn vốn đầu tư trong nước năm 2022 là tín hiệu tốt về môi trường đầu tư của Bình Dương.

Năm 2022, vượt qua những khó khăn, biến động phức tạp, khó lường của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực, kinh tế - xã hội Bình Dương tiếp tục có những bước phát triển vượt bậc. Đời sống người dân và thu nhập người lao động được cải thiện. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Những chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đề ra là kết quả của sự nỗ lực, năng động, linh hoạt của các cấp, các ngành cùng với sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

          DẤU ẤN KINH TẾ - XÃ HỘI BÌNH DƯƠNG NĂM 2022

Sau 1 năm thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hậu Covid-19, Bình Dương đã nhanh chóng bắt kịp đà tăng trưởng và vươn lên bức phá mạnh mẽ với 30/34 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đã đề ra. Cụ thể, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tính tăng 8,01%, GRDP bình quân đầu người đạt 166 triệu đồng. Thu ngân sách đạt gần 62.000 tỉ đồng, đạt 103% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó thu nội địa trên 43.000 tỉ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu trên 18.000 tỉ đồng. Tổng chi cân đối ngân sách thực hiện trên 20.000 tỉ đồng, đạt 100% dự toán. Các chỉ tiêu khác về kinh tế cũng tăng vọt như: Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 16,8%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước tăng 12,9%... Đặc biệt, năm 2022, mặc dù khó khăn do biến động thị trường toàn cầu nhưng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 35,7 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 9% so với năm 2021.

Một trong những điểm sáng về kinh tế của Bình Dương năm 2022 phải kể đến là thu hút vốn đầu tư cả trong và ngoài nước. Về đầu tư trong nước, tính đến ngày 30-11-2022, toàn tỉnh đã thu hút gần 97.000 tỉ đồng vốn đăng ký kinh doanh, tương đương gần 4 tỉ đô la Mỹ, tăng trên 28% so với cùng kỳ. Lũy kế đến nay, Bình Dương có gần 59.500 doanh nghiệp trong nước, với tổng vốn đăng kí là 627 ngàn tỉ đồng. Trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năm qua, tỉnh đã thu hút gần 3,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 48% so với cùng kỳ. Đến nay, toàn tỉnh có 4.082 dự án với số vốn đăng ký hơn 39,7 tỉ đô la Mỹ.

Có thể thấy, việc tăng nguồn vốn đầu tư trong nước năm 2022 là tín hiệu tốt về môi trường đầu tư của Bình Dương. Qua đó cũng chứng tỏ nội lực của doanh nghiệp Việt Nam đã có phần tăng trưởng, kéo giảm khoảng cách giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Điều này cũng phản ánh đúng chủ trương của tỉnh là cùng với thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, thì chú trọng vốn đầu tư trong nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển cùng với doanh nghiệp FDI trong tỉnh.

Dấu ấn kinh tế - xã hội Bình Dương nổi bật trong năm 2022 còn thể hiện rõ qua việc tỉnh đã tổ chức được nhiều hoạt động lớn, mang tầm quốc gia, quốc tế. Cụ thể là 23 sự kiện khoa học công nghệ, trong đó có 9 sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế như: Hội thảo khoa học Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ; Hội thảo nông nghiệp công nghệ cao, Ngày hội khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (TechFest). Ngoài ra, Bình Dương cũng đã tổ chức thành công các sự kiện đối ngoại mang tầm quốc tế như: Sự kiện vinh danh Top 7 Cộng đồng thông minh thế giới 2022, Sự kiện gặp gỡ Hàn Quốc nhân kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc, Diễn đàn hợp tác kinh tế Horasis Ấn Độ 2022... Đặc biệt, năm 2022, Bình Dương được vinh danh Top công nghiệp 4.0 Việt Nam và lần thứ 2 Top 7 chiến lược phát triển thành phố thông minh của ICF.

Bên cạnh những kết quả tích cực, do diễn biến bất lợi từ tình hình chính trị, kinh tế thế giới làm lạm phát toàn cầu tăng cao, tăng trưởng kinh tế nhiều quốc gia chậm lại, từ đó đã tác động đến sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh. Theo đó, tình hình sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chỉ ổn định trong 6 tháng đầu năm 2022 và tăng trưởng chậm lại từ quí 3, quí 4 cũng như được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn trong quí 1/2023 và thời gian tới. Bên cạnh đó, tiến độ công tác quy hoạch dù đã được đẩy nhanh nhưng việc triển khai lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng vẫn còn chậm. Đặc biệt, đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn đối với Bình Dương khi khối lượng thực hiện và giải ngân vốn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Tính đến cuối tháng 11/2022, tổng giá trị giải ngân đầu tư công của Bình Dương chỉ đạt 4.719 tỷ đồng, đạt 45,8% kế hoạch năm 2022 được HĐND tỉnh giao.

Để tiếp đà tăng trưởng của năm 2022, Bình Dương đặt ra 35 chỉ tiêu cho năm 2023, trong đó GRDP tăng 8,5-8,7%; chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 8,9%; thu ngân sách trên 74.000 tỷ đồng - tăng gần 20% so với năm 2022... Để đạt các chỉ tiêu đề ra, tỉnh Bình Dương đã đề ra 11 nhóm giải pháp, trong đó quan tâm đặc biệt đến những nhiệm vụ như: Thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; Thúc đẩy tăng trưởng trên nền tảng chuyển đổi số, kinh tế số, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các bệnh truyền nhiễm và các dịch bệnh mới phát sinh; Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ. Đặc biệt, tỉnh tập trung mọi nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị, dịch vụ làm tiền đề xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại... Đáng chú ý là trong năm 2023, Bình Dương sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ một số công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm như: Khu công nghiệp VSIP III, dự án nhà ở xã hội, cầu Bạch Đằng, Bệnh viện tuyến cuối 2000 giường, đường Vành đai 3,, vành đai 4, Cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một- Chơn Thành, mở rộng Quốc lộ 13, cảng An Tây…

Dự báo năm 2023, tình hình kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục có những khó khăn, thách thức, tác động mạnh đến các doanh nghiệp và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao; Quan tâm chăm lo đời sống người lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, với việc khắc phục các điểm nghẽn về giao thông, tăng cường các công trình mang tính động lực, bảo đảm kết nối thông suốt trong tỉnh, cũng như trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tin rằng Bình Dương sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu khả quan trong phát triển kinh tế- xã hội, xứng tầm là trung tâm công nghiệp – đô thị năng động, hiện đại của cả nước./.