Vấn đề dạy trẻ các kỹ năng tự bảo vệ bảo thân trước những mối nguy hại trong cuộc sống, nhất là phòng chống bị xâm hại, bạo lực, được xã hội đặc biệt quan tâm trong vài năm trở lại đây. Thế nhưng, những ngày qua, liên tục xảy ra nhiều vụ việc trẻ bị xâm hại hay bạo lực gây bức xúc trong dư luận. Vậy phải chăng, việc giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ đang cần được nhìn nhận lại để có cách làm phù hợp hơn?
DẠY TRẺ KỸ NĂNG TỰ BẢO VỆ - VAI TRÒ CHÍNH LÀ GIA ĐÌNH
Hiện nay, trẻ được dạy kỹ năng tự bảo vệ bản thân bằng rất nhiều phương thức khác nhau. Trước hết là tại trường học, giáo viên lồng ghép trong tiết sinh hoạt, trong nội dung các môn học có liên quan. Ngoài ra, trẻ còn được các chuyên gia trực tiếp hướng dẫn, trao đổi thực hành các kỹ năng với những hình thức sinh động, gần gũi, vui tươi. Song song với nhà trường, các khoá dạy kỹ năng sống như Trại hè teen năng động học điều hay, học kỳ quân đội,… cũng được nhiều bậc phụ huynh lựa chọn để giúp trẻ trang bị kiến thức tự bảo vệ bản thân. Về phía các tổ chức đoàn thể xã hội như đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ thì thành lập Câu lạc bộ phòng chống xâm hại trẻ em, Câu lạc bộ kỹ năng sống để tạo môi trường hướng dẫn trẻ cách tự vệ. Rất nhiều phương thức như thế nhưng khi đối mặt với những vấn đề ngoài thực tế, trẻ vẫn bối rối và không phát huy được kỹ năng đã được học. Nguyên nhân là do đâu?
Như vậy, gia đình mới là yếu tố quyết định đến việc hình thành kỹ năng, phản xạ bảo vệ bản thân một cách tự nhiên như bản năng cho trẻ. Trong cuộc sống hiện đại, bận rộn với guồng quay công việc, không ít bậc phụ huynh giao phó trách nhiệm giáo dục con cho trường học hay các trung tâm. Để rồi khi trẻ bị xâm hại hay bạo lực thì đổ lỗi cho nhà trường, cho xã hội. Cần nhìn nhận một thực tế rằng: khi phụ huynh dành thời gian quan tâm, lắng nghe, chia sẻ cùng con trẻ ngày càng ít thì đồng nghĩa với việc trẻ đang đối mặt với ngày càng nhiều mối nguy hại trong cuộc sống.
Gia đình chính là nơi tạo nên “liều thuốc kháng sinh” giúp trẻ mạnh mẽ chống lại các tác nhân xấu không chỉ cho bản thân mà còn cho bạn bè của trẻ. Đồng thời, khi trẻ không may bị xâm hại, bạo lực, gia đình cũng cần vừa là chỗ dựa vững chắc vừa kiên quyết không thoả hiệp với kẻ xấu để đảm bảo pháp luật được thực thi, đem lại công bằng cho con trẻ và là bài học cảnh tỉnh cho xã hội.