Kể từ năm 2016, Đề án “Thành phố thông minh Bình Dương” chính thức được triển khai xây dựng và trở thành một trong những chương trình đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thông qua đề án này, những năm qua, Bình Dương đã xây dựng được một hệ sinh thái số và đổi mới sáng tạo, từng bước đưa địa phương trở thành nơi thịnh vượng và đáng sống hơn. Điểm đáng ghi nhận hơn cả qua quá trình triển khai, vận dụng mô hình Ba Nhà (Nhà nước – Nhà doanh nghiệp – Nhà trường) trong xây dựng thành phố thông minh chính là sự tham gia hưởng ứng tích cực của các cơ quan, ban ngành, địa phương, doanh nghiệp, trường đại học, Trung tâm sáng kiến cộng đồng… Tất cả đã cùng chung tay góp sức, đồng hành trong hành trình xây dựng thành phố thông minh Bình Dương và đạt được những thành công bước đầu đầy khích lệ.

 ĐIỂM SÁNG TRONG HÀNH TRÌNH XÂY DỰNG

THÀNH  PHỐ THÔNG MINH BÌNH DƯƠNG

Thực hiện chiến lược chuyển đổi số, đặc biệt là hưởng ứng Đề án “ Thành phố thông minh Bình Dương, trong nhiều năm qua, Công ty Điện lực Bình Dương đã xây dựng lộ trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực hoạt động của Công ty. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020, đơn vị đã xây dựng và thực hiện trên nền tảng số nhiều ứng dụng phần mềm quản trị, quản lý như: Phần mềm Diễn đàn trao đổi thông tin vận hành, Phần mềm quản lý công tác thí nghiệm thiết bị điện, Phần mềm Giải pháp ứng dụng công nghệ vào quản lý lưu trữ hồ sơ thông qua Mã QR code và đã mang lại hiệu quả tích cực. Bên cạnh đó, đơn vị còn tập trung triển khai kế hoạch phát triển lưới điện thông minh của Tổng Công ty Điện lực miền Nam, khai thác và phát triển hệ thống vận hành lưới điện phân phối tự động hóa và hệ thống phần mềm tự động hỗ trợ việc quản lý, giám sát và điều khiển tối ưu lưới điện phân phối để đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện phục vụ cho Đề án; Đồng thời nghiên cứu phối hợp triển khai hệ thống thông tin địa lý GIS thuộc Đề án cho hệ thống lưới điện theo định hướng của tỉnh Bình Dương.

Với nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo cung ứng năng lượng ổn định và bền vững để phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ với hàm lượng tri thức, công nghệ cao như: Đề án Thành phố thông minh đã đề ra, những năm qua, Công ty điện lực Bình Dương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giảm sự cố, giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy cung ứng điện; đồng thời thực hiện các công trình đầu tư xây dựng, cải tạo, sữa chữa, bảo trì hệ thống lưới điện, từng bước hiện đại hóa lưới điện. Bên cạnh đó, với tốc độ đô thị hóa nhanh, các công trình, dự án nhà ở, khu dân cư mọc lên ngày càng nhiều, vấn đề ngầm hoá hệ thống lưới điện, nhất là tại các khu vực đông dân cư cũng được đơn vị tập trung thực hiện nhằm góp phần giải quyết các vấn đề về giao thông, tạo mỹ quan đô thị Bình Dương theo hướng văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, việc ngầm hoá hệ thống điện cũng phát sinh một số khó khăn nhất định trong quản lý vận hành và xử lý sự cố đối với hệ thống cáp ngầm này. Vì vậy, để lưới điện vận hành an toàn tin cậy, đảm bảo cung cấp điện, đồng khắc phục các khó khăn trong quá trình quản lý vận hành, Công ty điện lực Bình Dương đã nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, trang bị các thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ công tác kiểm tra giám sát, định vị và dò tìm sự cố hệ thống cáp ngầm nhằm phát hiện kịp thời và có kế hoạch xử lý các khiếm khuyết, hạn chế thời gian gián đoạn điện mức thấp nhất. Các trang thiết bị công nghệ hiện đại, phục vụ công tác quản lý vận hành đã được đưa vào sử dụng có thể kể đến như: Máy dò định vị cáp ngầm phục vụ trong công tác tìm kiếm hệ thống cáp điện, xác định hướng tuyến cáp ngầm khi thi mở rộng đường giao thông, hệ thống cống thoát nước, hố ga, hệ thống cáp quang thông tin…Hay như thiết bị dò tìm điểm sự cố cáp ngầm (IRG 3000) với công nghệ hiện đại, thiết bị dò tìm điểm sự cố cáp ngầm mới này được áp dụng để hỗ trợ xác định nhanh và chính xác vị trí cáp hư hỏng, góp phần rút ngắn thời gian xử lý trong vài giờ và nhanh chóng tái lập điện đưa vào vận hành, góp phần nâng cao chỉ số độ tin cậy cung cấp điện, giảm chi phí thủ công đào dọc tuyến cáp để tìm kiếm vị trí sự cố, giảm nhân lực thực hiện và giảm thời gian gián đoạn điện kéo dài nhiều ngày.

Song song đó, công ty còn áp dụng công nghệ thi công, bảo trì lưới không cắt điện bằng việc thi công điện nóng (Hotline) và vệ sinh sứ Hotline. Điều này giúp cho việc sử dụng điện của người dân, doanh nghiệp không bị ảnh hưởng khi ngành điện tiến hành thi công, sữa chữa lưới điện. Nhằm hiện đại hóa công tác quản lí vận hành, sữa chữa lưới điện, công ty điện lực Bình Dương đầu tư trang bị các xe nâng chuyên dùng phục vụ cho công tác bảo trì, sữa chữa lưới điện. Với sự hỗ trợ của phương tiện chuyên dùng này, việc sửa chữa, bảo trì lưới điện được nhanh chóng và an toàn hơn so với khi sử dụng các phương tiện trước đây. Đặc biệt, công ty điện lực Bình Dương còn ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và công nghệ hiện đại trong công tác quản lí, điều hành như: Trạm biến áp không người trực được thay thế dần trạm biến áp truyền thống, giúp giảm 1/3 diện tích đầu tư xây dựng, đồng thời nâng cao đáng kể chất lượng, hiệu quả và độ tin cậy cấp điện. Công tơ điện tử thay thế hoàn toàn công tơ cơ khí giúp cung cấp dữ liệu sử dụng điện chính xác, tin cậy và tức thời, giúp người dùng điện theo dõi mức độ sử dụng điện tức thời qua đó thay đổi cách sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả hơn. Song song đó, với việc cài đặt App và Zalo của ngành điện đã tạo thuận lợi rất nhiều cho người dân, khách hàng sử dụng điện. Nếu như trước đây mỗi tháng đều nhận các thông báo chi phí tiền điện, những lúc vắng nhà phải đến tận trụ sở điện lực để thanh toán, thì giờ đây khách hàng có thể thanh toán ở bất kỳ vị trí nào và các tiện ích mang lại từ ứng dụng tạo sự thoải mái, tiết kiệm thời gian, công sức cho khách hàng.

Phát huy những kết quả đạt được, trong giai đoạn 2023-2025, công ty điện lực Bình Dương tiếp tục tiếp tục nghiên cứu các giải pháp công nghệ mới để phục vụ cho công tác quản lý vận hành hệ thống điện nói chung và lưới điện ngầm nói riêng trong bối cảnh yêu cầu cung cấp điện ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và đô thị hóa của tỉnh Bình Dương một cách bền vững.

Với các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn cung ứng điện tại địa phương, nhất là trong lĩnh vực điện thông minh của Công ty điện lực Bình Dương đã góp phần đáp ứng yêu cầu về “kinh tế số”, “xã hội số” trong tình hình mới và đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh của đơn vị. Qua đó, tạo tiền đề đẩy mạnh chuyên đổi số và phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh, góp phần đưa tỉnh sớm thực hiện thành công “Đề án Thành phố thông minh Bình Dương” giai đoạn 2022-2030./.