Năng động, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ và cách làm, tạo đột phá để phát triển, đã đưa Bình Dương từ tỉnh thuần nông thành tỉnh công nghiệp phát triển, là điểm sáng trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Đến nay, công nghiệp và dịch vụ của tỉnh chiếm gần 88% trong cơ cấu kinh tế; toàn tỉnh hiện có 34.407 doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh với tổng vốn hơn 276 nghìn tỷ đồng và 3.430 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 31,3 tỷ USD; hạ tầng công nghiệp được hoàn thiện với 29 khu công nghiệp, diện tích 12.743 ha và 12 cụm công nghiệp có diện tích gần 800 ha, đến năm 2020, toàn tỉnh có 34 khu công nghiệp với diện tích 14.790 ha. Bình Dương cũng là địa phương chủ động xây dựng hạ tầng giao thông kết nối tốt với các tỉnh, thành phố ở vùng kinh tế trọng điểm phía nam, thông qua các tuyến giao thông quan trọng như đường Mỹ Phước - Tân Vạn, quốc lộ 13 rất thuận lợi kết nối với 11 cảng biển ở khu vực và sân bay quốc tế. Sự phát triển của tỉnh làm thay đổi nhanh bộ mặt đô thị theo quá trình công nghiệp hóa, tác động tích cực đến đời sống an sinh xã hội, thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2017 đạt 120 triệu đồng/người; toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia.