Sự ra đời của “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” là một trong những đổi mới phương thức hoạt động, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đại đoàn kết dân tộc là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Ngay từ khi mới thành lập Đảng, để tập hợp sức mạnh dân tộc, ngày 18/11/1930 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập ra Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, ngày nay gọi là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN). Trải qua 92 năm với nhiều hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, MTTQVN đều đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi thời kỳ và có những cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng nước nhà. MTTQVN đã phát huy truyền thống đoàn kết quý báu, nhân lên gấp bội lần tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam, tập hợp mọi tầng lớp xã hội trong và ngoài nước thành một lực lượng hùng mạnh, góp phần giành lại độc lập tự do, xây dựng và phát triển đất nước. Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, tỉnh Bình Dương luôn thực hiện tốt công tác đại đoàn kết dân tộc, xem đây là sức mạnh để ổn định, xây dựng và phát triển tỉnh nhà.

ĐOÀN KẾT, ĐOÀN KẾT, ĐẠI ĐOÀN KẾT

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược quyết định thành công của Cách mạng. Người đã nêu ra những luận điểm có tính chân lý: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Hiện nay, trong xu thế hội nhập khu vực và thế giới, nước ta đang có nhiều thời cơ thuận lợi, nhưng cũng còn không ít khó khăn và thách thức, đặc biệt là âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch luôn tìm cách chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, nhằm giảm sức mạnh quần chúng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Cho nên, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rất quan trọng trong sự nghiệp giữ gìn và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt trận là cầu nối giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, là một Liên minh chính trị rộng rãi, quy tụ khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Sự nghiệp đổi mới ngày nay đã đặt ra yêu cầu mới cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổ chức và hoạt động. Yêu cầu đặt ra là phải có sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế, xã hội, phong tục tập quán của từng vùng, miền, từ điều kiện tự nhiên đến truyền thống văn hóa. Để thực hiện được điều đó phải hướng công tác Mặt trận về cơ sở, về từng khu dân cư, từng gia đình, tạo tiền đề cho việc xây dựng mọi tầng lớp nhân dân, đoàn kết từ mỗi gia đình, mỗi khu dân cư đến mối xã, phường, huyện, tỉnh. Đó là cơ sở cốt yếu để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Sự ra đời của “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư cũng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đó. Cùng với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, sự ra đời của “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” là một trong những đổi mới phương thức hoạt động, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh nội lực, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

 Để phát huy truyền thống Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, năm 1986 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã quyết định lấy ngày 18/11/1930, ngày Đảng chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất để làm ngày Mặt trận thống nhất. Từ đó đến nay, hàng năm đến ngày 18/11, Mặt trận các cấp đã đề ra chương trình, nội dung mới và các hình thức hoạt động phong phú, đa dạng nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, đồng thời tổng kết một năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống Văn hóa ở khu dân cư”. Đến nay, việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư đã trở thành sinh hoạt xã hội rộng rãi ở từng cộng đồng dân cư trong cả nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương là tập hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tỉnh, với 31 tổ chức thành viên và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Bình Dương định cư ở nước ngoài. Những năm qua, cùng với cả hệ thống chính trị, MTTQVN các cấp trong tỉnh đã nỗ lực phát huy, đi tiên phong trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, tập hợp khối đại đoàn kết tích cực thi đua, tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời tham gia chăm lo, bảo vệ, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp Nhân dân, làm tốt vai trò đại diện Nhân dân, góp phần phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền luôn được MTTQ các cấp chú trọng thực hiện, làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó, mật thiết giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân trong tỉnh tạo thành một khối thống nhất ý chí và hành động, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tiến trình xây dựng đô thị Bình Dương văn minh, giàu đẹp. Ủy ban MTTQ VN các cấp cùng các tổ chức thành viên đã tích cực tuyên truyền, vận động và tổ chức cho đoàn viên, hội viên, nhân dân tham gia góp ý vào các văn kiện Đại hội Đảng các cấp, văn kiện Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ XI và văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tham gia xây dựng các chủ trương, nghị quyết của Đảng liên quan đến xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên... Công tác tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử, công tác tiếp dân và giám sát giải quyết khiếu nại tố cáo luôn được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp quan tâm thực hiện nghiêm túc theo quy định, phát huy được vai trò đại diện Nhân dân của mình.

Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã làm tốt công tác vận động nhân dân thực hiện Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”  Từ đó các phong trào đã lan rộng và đi vào chiều sâu, nhân dân đã  tự nguyện đóng góp vốn, hiến đất, cây trồng, ngày công…để làm đường giao thông nội đồng, đường giao thông nông thôn, đường liên ấp, xây dựng các công trình phục vụ cho cộng đồng dân cư

Bên cạnh đó, MTTQ các cấp đã tăng cường huy động tối đa các nguồn lực đóng góp hỗ trợ cho công tác an sinh xã hội, chăm lo kịp thời, đầy đủ các chính sách, chế độ cho các đối tượng người có công, đối tượng xã hội, người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và công nhân lao động trên địa bàn tỉnh theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động, tích cực tham gia cùng hệ thống chính trị thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch và hỗ trợ nhân dân. Thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh là một minh chứng sinh động về phát huy sức mạnh đại đoàn kết thông qua phương thức “liên kết” giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và cơ quan quản lý Nhà nước các cấp trong tỉnh.

Phát huy truyền thống vẻ vang 92 năm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với niềm tin vào sự đổi mới và lãnh đạo sáng suốt của Đảng, vào tương lai tươi sáng của tỉnh nhà, thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh sẽ ra sức vận động các tầng lớp nhân dân tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức, chung lòng cùng Đảng và chính quyền các cấp phát huy tối đa nội lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, giữ vững thành quả đạt được, đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI vào cuộc sống, quyết tâm xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp phát triển, đô thị thông minh, văn minh, hiện đại. /.