Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa, tác động đến mọi mặt đời sống xã hội. Kinh tế thế giới đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ sang nền kinh tế tri thức, kinh tế số và đổi mới sáng tạo. Là địa phương năng động, sáng tạo, Bình Dương cũng đã và đang xây dựng hệ sinh thái kiểu mới, với mô hình công nghiệp – đô thị - dịch vụ thông minh và gắn liền với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, từng bước tiến lên phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị công nghiệp. Đặc biệt, trước yêu cầu về chuỗi cung ứng và hàm lượng công nghệ trong sản xuất ngày càng cao, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư hiện hữu ở Bình Dương cũng đã từng bước tự động hóa, chuyển đổi số, xây dựng các hệ thống nhà máy thông minh,… tiến tới làm chủ công nghệ trong sản xuất.

DOANH NGHIỆP BÌNH DƯƠNG HƯỚNG ĐẾN SẢN XUẤT THÔNG MINH

Để đón đầu xu thế tất yếu của cuộc các mạng công nghiệp 4.0, từ nhiều năm qua, các doanh nghiệp ở Bình Dương đã có sự chuẩn bị, đầu tư bài bản về công nghệ sản xuất, năng lực quản trị doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực… Nhờ vậy, không chỉ đứng vững trong cuộc cạnh tranh trên “sân nhà” mà nhiều doanh nghiệp còn tự tin vươn ra thị trường xuất khẩu. Chi nhánh Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam ( Casumina) là một trong những điển hình như thế. Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất lốp xe các loại, ngành nghề đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, ngay khi xây dựng nhà máy sản xuất lốp xe Radial, đóng tại phường Uyên Hưng, thành phố Tân Uyên vào năm 2012, đơn vị đã đầu tư 3.000 tỉ đồng để trang bị dây chuyền sản xuất tự động ở tất cả các công đoạn sản xuất của nhà máy như: phối trộn nguyên vật liệu, bán thành phẩm, cắt thành hình, lưu hóa, nhập kho. Các dây chuyền này đều nhập từ Châu Âu, Mỹ Nhật, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động và công suất nhà máy. Với việc đưa nhà máy sản xuất theo hướng thông minh đi vào hoạt động, Casumina chi nhánh Bình Dương đã tiên phong trong việc sản xuất lốp xe tải toàn thép, sản phẩm đòi hỏi sản xuất với công nghệ cao vì phải đổi từ mành nilon sang mành thép, giúp sản phẩm làm ra đạt chất lượng tốt, tương đương với các sản phẩm ngoại nhập trên thị trường. Công suất giai đoạn 1 của nhà máy đạt 350 ngàn lốp xe toàn thép một năm. Trong năm 2016, Casumina tiếp tục mở rộng qui mô nhà máy giai đoạn 2, đầu tư thêm máy móc ở dây chuyền sản xuất thành hình và lưu hóa để nâng công suất sản xuất lên 500.000 lốp xe tải toàn thép một năm và 1,5 triệu lốp xe du lịch một năm.

Nhận thức rõ xu thế chuyển đổi số, tự động hóa và cao hơn là tự hành là không thể đảo ngược, mang đến cho doanh nghiệp nhiều thách thức nhưng cững không ít cơ hội. Vì vậy, Casumina chi nhánh Bình Dương đang tập trung đầu tư nghiên cứu để cung cấp cho thị trường những sản phẩm lốp ô tô toàn thép công nghệ cao, có chất lượng tốt và ổn định, chủng loại đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước cũng như xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Châu Âu, Trung Đông, Nam Á, Đông Nam Á… Hiện, 90% sản lượng của doanh nghiệp được xuất khẩu.

Cũng với quan điểm: Nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản xuất, tiến tới sản xuất thông minh là điều kiện tiên quyết để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp doanh nghiệp tự tin trong quá trình cạnh tranh và hội nhập kinh tế toàn cầu. Vì vậy, trong 12 năm hoạt động tại Bình Dương, Công ty cổ phần bột giặt Lix, đóng tại Khu công nghiệp Đại Đăng, TP.TDM đã nhiều lần đầu tư, nâng cấp dây chuyền sản xuất theo hướng thông minh. Ngoài dây chuyền tự động hóa trong công đoạn phối liệu, đóng gói theo công nghệ của Nhật Bản được đầu tư vào năm 2011, đơn vị tiếp tục lắp đặt hệ thống robot sản xuất được nhập từ Đức vào năm 2020 để thay thế lao động ở các công đoạn nặng nhọc. Hiện nay, doanh nghiệp đang chuẩn bị đầu tư hệ thống tự động hóa trong kiểm soát chất lượng sản phẩm, nâng tỉ lệ tự động hóa trong toàn nhà máy lên 100%. Không dừng lại ở đó, công ty đang hướng tới xây dựng mô hình nhà kho tự động.

Có thể nói, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với việc ra đời các “nhà máy thông minh” hay “nhà máy số” sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, vật liệu, qua đó đưa hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển lên một tầm cao mới. Bình Dương, với những nền tảng hiện hữu về công nghiệp – Đô thị, cũng như hạ tầng về đổi mới sáng tạo đã được đầu tư trong thời gian qua như: Trung tâm Sản xuất thông minh, Trung tâm sản xuất tiên tiến, Trung tâm đổi mới sáng tạo Việt Nam Singapore, Fablabs, Techlabs, Vườn ươm Doanh nghiệp Becamex, Trung tâm Thương mại Thế giới WTC,… được coi là những điều kiện thuận lợi, giúp các doanh nghiệp có nhiều lợi thế để hội nhập vào xu thế phát triển chung của thế giới. Cùng với đó là hệ thống trường đạt chuẩn quốc tế như: Đại học Quốc tế Miền đông, Đại học Việt Đức,… tập trung vào những ngành trọng yếu phục vụ cho nền tảng phát triển công nghiệp của tỉnh, đó là các ngành Công nghệ Thông tin, Cơ điện tử , Điện điện tử... Đây là những trụ cột trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các nhà máy hiện đại, đáp ứng yêu cầu cải tiến và nâng cấp nền tảng công nghiệp hiện hữu tại doanh nghiệp. Đặc biệt, tỉnh đang đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng thành phố thông minh, khu công nghiệp thông minh, tiến tới xây dựng các khu công nghiệp gắn liền với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để thu hút các ngành có giá trị gia tăng cao, từng bước xây dựng động lực phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số thay thế cho động lực kinh tế thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai.

Theo các chuyên gia kinh tế, để tồn tại và phát triển trong cuộc các mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp cần phải giải quyết cùng lúc 3 vấn đề liên quan là công nghệ, kinh nghiệm điều hành, quản lý theo chuỗi và nguồn nhân lực có chất luợng cao. Với định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh trong giai đoạn mới cùng các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, đặc biệt là sự nỗ lực riêng của doanh nghiệp trước yêu cầu sản xuất kinh doanh trong điều kiện mới, tin rằng cộng đồng doanh nghiệp ở Bình Dương sẽ thêm tự tin, chủ động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0./.