Nhiều năm qua, Bình Dương luôn trở thành điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với số lượng lớn doanh nghiệp trên địa bàn, tỉnh Bình Dương xác định, sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế chính là nền tảng, là động lực để tỉnh thực hiện có hiệu quả việc huy động nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Bằng khát vọng, tầm nhìn, tư duy đổi mới, cùng chiến lược quy hoạch kiến tạo cho sự phát triển nhanh, hài hòa, xanh và bền vững, Bình Dương đã và đang hiện thực mục tiêu đến năm 2045 là đô thị thông minh, động lực phát triển kinh tế của vùng và cả nước.

DOANH NGHIỆP-DOANH NHÂN ĐỒNG HÀNH CÙNG SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA TỈNH BÌNH DƯƠNG

Là tỉnh tiên phong đổi mới phát triển kinh tế, Bình Dương luôn xem cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định đến thành công của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa tỉnh nhà. Những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh nhà có sự đóng góp rất lớn đầy tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân, ngược lại tỉnh Bình Dương cũng không ngừng đổi mới và hoàn thiện các thể chế chính sách nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh, khẳng định vai trò, vị trí của mình.

Minh chứng cụ thể và rõ ràng nhất là kể từ những ngày đầu khi tỉnh Bình Dương thực hiện phương châm ”trải chiếu hoa thu hút đầu tư”, cho đến đến hôm nay khi Bình Dương đã khẳng định được vị thế thương hiệu, chọn lọc đầu tư, thì cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn luôn là lực lượng chủ yếu huy động các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển. Thông qua tổ chức và điều hành sản xuất kinh doanh, doanh nhân, doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chính từ những đóng góp ấy nên Bình Dương đã bức phá, vươn lên trở thành một tỉnh công nghiệp năng động bậc nhất khu vực phía Nam, với 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đang hoạt động, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng Công Nghiệp (67,1%) - Dịch Vụ (22,8%) - Nông Nghiệp (2,7%). Qua 26 năm tái lập tỉnh, quy mô nền kinh tế tỉnh Bình Dương tăng gấp 105 lần, thu ngân sách tăng gấp 76 lần, thu nhập bình quân đầu người đứng đầu cả nước đạt hơn 7.200 USD/người/năm, tỷ lệ đô thị hóa trên 82%. Tỉnh đã đạt được kết quả nổi bật và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, được xem là một trong những địa phương tiên phong về công nghiệp và thu hút đầu tư của cả nước.

Bên cạnh thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tỉnh Bình Dương luôn chú trọng đến nguồn vốn đầu tư trong nước, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh. Tại Bình Dương, khu vực kinh tế tư nhân đã tham gia đầu tư vào tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, từ các ngành hàng truyền thống cho đến các ngành hàng mới, từ lĩnh vực chế biến đến lĩnh vực chế tạo, đầu tư hạ tầng xã hội và hạ tầng kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân luôn nỗ lực phát triển quy mô và khả năng cạnh tranh bằng các giải pháp như đổi mới công nghệ, áp dụng phương thức quản trị doanh nghiệp tiên tiến, có chiến lược phát triển thị trường tốt góp phần phát triển ổn định hệ thống doanh nghiệp. Bên cạnh đó tỉnh cũng có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, kiến tạo và hình thành các thiết chế văn hóa của doanh nhân.

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã khẳng định: “Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ”. Vai trò của kinh tế tư nhân được nâng lên, là nòng cốt của nền kinh tế. Tiếp đó Nghị quyết 58 của Chính phủ cũng khuyến khích hình thành lực lượng doanh nghiệp tư nhân có vai trò dẫn dắt trong một số lĩnh vực, ngành kinh tế trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh. Khu vực kinh tế tư nhân đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Mục tiêu đến 2030 khu vực kinh tế tư nhân đóng góp từ 60-65% GDP. Trong khi doanh nghiệp tư nhân cả nước nhập siêu thì ở Bình Dương đội ngũ này góp phần xuất siêu.. Theo kế hoạch chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, tinh Bình Dương đặt ra mục tiêu đến hết năm 2025 toàn tỉnh sẽ có 80.000 doanh nghiệp trong nước. Đến nay tỉnh đã đạt được 76% kế hoạch này.

Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân Bình Dương đã tạo công ăn việc làm cho hơn 1,7 triệu lao động, đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân đã cùng với chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động bằng nhiều chương trình hành động cụ thể thiết thực để người lao động an tâm gắn bó lâu dài. Trong đó nổi bật lên mô hình nhà ở xã hội khi Bình Dương là địa phương đã triển khai rất nhiều dự án mang lại niềm vui an cư lạc nghiệp. Sự quan tâm của chính quyền cùng đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân sẽ là cơ sở để Bình Dương thực hiện được mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng 172.879 căn đáp ứng cho trên 678.300 người sinh sống. Phát triển kinh tế gắn liền với tinh thần trách nhiêm cao vì cộng đồng là một nét đẹp đáng quý của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bình Dương. Tất cả các doanh nghiệp đã và đang đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội trên tất cả các lĩnh vực như y tế, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao, các hoạt động nhân đạo...cùng với chính quyền xây dựng xã hội đoàn kết, đồng thuận, công bằng, an sinh, văn minh, nhân ái.

Với số lượng lớn doanh nghiệp, cùng sự gia tăng nhanh chóng của lực lượng lao động đã đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải đẩy mạnh công tác xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với các thành phần kinh tế. Công tác xây dựng phát triển đảng trong doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp nhà nước và ngoài khu vực nhà nước ở tỉnh Bình Dương thời gian qua đã có chuyển biến tích cực. Phần lớn doanh nghiệp đã có nhận thức đúng đắn rằng: việc xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp của mình cũng chính là giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng tầm thương hiệu của doanh nghiệp, xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên còn là một sự đầu tư có chiều sâu bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI xác định: “phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước”. Thời gian tới tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cấu trúc lại mạng lưới công nghiệp nội tỉnh, thu hút dịch vụ, khoa học – công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để phát triển nhanh, hài hòa, xanh và bền vững. Tỉnh sẽ tiếp tục vận hành hành chính quyền kiến tạo “xem khó khăn của doanh nghiệp là hạn chế của chính quyền, lấy sự thành công, hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền”.   

Là một đối tác quan trọng của mô hình liên kết 3 nhà gồm nhà nước-nhà trường và nhà doanh nghiệp- trong chiến phát triển thành phố thông minh Bình Dương, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân sẽ chủ động trau dồi thêm kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ, kinh nghiệm trong quản lý, tính chuyên nghiệp, linh hoạt, sáng tạo hơn nữa trong cạnh tranh và hội nhập, từng bước xây dựng văn hóa liêm chính, đạo đức kinh doanh, cũng như tạo thêm sự liên kết phát triển chặt chẽ, kết nối sức mạnh các doanh nghiệp, tận dụng tốt cơ hội vượt qua thách thức để cạnh tranh,  phát triển và hội nhập. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân luôn là nhân tố quan trọng đồng hành cùng sự phát triển bền vững của tỉnh nhà./.