Thương hiệu của sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp là tài sản có giá trị vô hình rất lớn trong quá trình phát triển sản xúât kinh doanh của doanh nghiệp. Xây dựng thương hiệu thành công chắc chắn doanh nghiệp sẽ đạt được hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh.
Đến nay, Bình Dương có gần 32.800 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 259.000 tỷ đồng. Hệ thống doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước tham gia sản xúât kinh doanh trong tất cả các ngành nghề. Không chỉ tăng nhanh về số luợng, hệ thống các doanh nghiệp trong nước còn tạo nên một nền sản xuất hàng hóa đa dạng, hướng tới yếu tố chất luợng, để đáp ứng thị trường nội địa và xuất khẩu sản phẩm. Đến thời điểm này, có thể khẳng định khu vực có vốn đầu tư trong nước không chỉ thành công trong lĩnh vực xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 17- 20%/năm, mà một số doanh nghiệp còn tạo được thương hiệu hàng Việt chiếm lĩnh mạnh mẽ thị trường nội địa và một số quốc gia khác. Trong đó chất lượng sản phẩm, tính đa dạng của sản phẩm, khả năng cung ứng sản phẩm cho thị trường và quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp…là những yếu tố tạo nên thành công cho thương hiệu.
Tuy nhiên, hiện tại các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thành công thương hiệu còn quá ít. Trong đó các thương hiệu mạnh, tạo khả năng nhận biết lớn và chi phối tâm lý tiêu dùng trên thị trường, mới chiếm khỏang 1% trong tổng số các doanh nghiệp đang sản xúât. Sở dĩ có tình trạng này là do qui mô của doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước còn nhỏ, tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh để đổi mới công nghệ sản xuất và xây dựng kênh phân phối rộng. Bên cạnh đó, công tác xây dựng thương hiệu ở doanh nghiệp trong một thời gian dài ít đuợc chú trọng.
Từ thực tế này, đòi hỏi doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng và phát triển thương hiệu. Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nuớc, các doanh nghiệp cần tạo nên chuỗi liên kết và chuyên môn hóa cao hơn. Mặt khác, cần chú trọng sản xuất và phát triển ngành hàng mà doanh nghiệp có thế mạnh. Các doanh nghiệp cũng cần gắn kết quá trình nâng cao chất luợng sản phẩm với việc phát triển hệ thống phân phối sản phẩm. Đây sẽ là những giải pháp phù hợp với lọai hình doanh nghiệp vừa và nhỏ trong điều kiện kinh tế cạnh tranh và có nhiều biến động.