Nền tảng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp có thể kết nối, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy chiếm đến 90% về số lượng, song doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía để có thể cạnh tranh, tồn tại và nắm bắt thời cơ hội nhập.
Đến nay, toàn tỉnh Bình Dương có gần 37.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với số vốn 264.755 tỷ đồng và 31 tỷ USD. Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong tháng 7/ 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 7,1% so với tháng trước. Thặng dư thương mại 7 tháng đạt gần 2,9 tỷ đô la Mỹ.
Nằm trong xu thế này, rất nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương có đà tăng trưởng tốt. Đơn cử như công ty Cổ phần Kim Toàn Thắng đóng tại phường An Thạnh, TX Thuận An chuyên sản xuất kinh doanh và phân phối những sản phẩm về tôn, thép. Để nâng cao tính cạnh trạnh, công ty đã tiếp tục đầu tư và đưa vào vận hành máy xà gồ điều khiển hoàn toàn tự động được chế tạo theo công nghệ của Đức với độ chính xác cao. Việc đưa vào vận hành máy xà gồ đã giúp công ty chủ động hơn trong kinh doanh, tìm kiếm khách hàng.
Tại Bình Dương, từ năm 2006 đến nay, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tăng bình quân trên 18%/năm. Hàng năm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã giải quyết việc làm mới cho 15.000 đến 20.000 lao động. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, theo các chuyên gia, không chỉ mở rộng hợp tác với các nhà tiêu thụ, phân phối, doanh nghiệp phải không ngừng cải thiện, áp dụng kỹ thuật mới để có ngày càng nhiều mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nếu biết tận dụng cơ hội, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoàn toàn có thể vượt qua những khó khăn về công nghệ, tài chính, tìm kiếm khách hàng để bước vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh hợp tác liên kết qua nhiều hình thức, bản thân các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chủ động nỗ lực trong việc tìm kiếm các thông tin về ngành hàng, thị trường tiềm năng và các chuẩn mực quốc tế. Trên cơ sở đó định hướng và xây dựng kế hoạch phát triển doanh nghiệp dài hạn, đáp ứng được yêu cầu và tận dụng cơ hội do hội nhập quốc tế mang lại.