Bình Dương từ hàng trăm năm nay vốn phát triển ngành hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống. Trong đó, sản phẩm sơn mài và gốm sứ rất nổi tiếng ở thị trường xuất khẩu, tuy vậy việc tiêu thụ ở thị trường nội địa vẫn còn thiếu những giải pháp căn cơ.
Sau 1 năm đưa vào họat động Trung tâm giới thiệu và cung ứng sản phẩm, phục vụ thị trường nội địa với diện tích gần 5000 m vuông, vốn đầu tư khỏang 2 triệu USD, doanh số tiêu thụ nội địa của công ty công ty gốm sứ Cường Phát đã tăng gấp 3 lần so với trước đó. Điều này cho thấy nhu cầu ngành hàng ở nội địa rất cao, nếu như doanh nghiệp có đủ tiềm lực để xây dựng một kênh phân phối cho riêng mình.
Hiện nay, Bình Dương vẫn là một trong những địa phương có ngành hàng sơn mài, gốm sứ phát triển nhất cả nuớc, với năng lực xuất khẩu từ 150 triệu USD - 180 triệu USD/năm, chiếm từ 17,5 -18% gía trị xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cả nước. Đặc biệt các ngành hàng này còn tạo được nhiều thương hiệu có uy tín trên thương trường quốc tế với thời gian giao hàng đúng hạn, đảm bảo chất luợng và giá thành cạnh tranh tốt.
Tuy vậy ở thị trường nội địa, ngòai một số doanh nghiệp lớn như Công ty Minh Long I, Công ty Cường Phát, Công ty Đại Hồng Phát, Công ty sơn mài Đồng Tâm, Sơn mài Định Hòa… đã hòan chỉnh kênh cung ứng riêng, rất nhiều doanh nghiệp có qui mô nhỏ chưa có kênh cung ứng riêng để đưa sản phẩm ra thị trường. Điều này buộc doanh nghiệp phải qua khâu trung gian tiêu thụ, làm cho tính cạnh tranh yếu. Mặt khác, rất khó quảng bá sản phẩm cho riêng mình.
Theo các doanh nghiệp, giải pháp tốt nhất để phát triển thị trường nội địa cho ngành sơn mài và gốm sứ là phải gấp rút xây dựng trung tâm giới thiệu và cung ứng sản phẩm riêng ở từng doanh nghiệp, đồng thời phải kết nối với lĩnh vực du lịch để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện tốt giải pháp này, ngành hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của tỉnh mới có khả năng cạnh tranh và tiêu thụ ở thị trường nội địa vốn có rất nhiều tiềm năng.