Trãi qua 26 năm phát triển, với những bước đi đúng đắn, kiên định và tư duy đột phá, Bình Dương đã vươn lên trở thành điểm sáng công nghiệp và đô thị trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước. Bước sang giai đoạn mới, với sự bùng nổ của khoa học công nghệ và mô hình kinh doanh – thương mại mới, Bình Dương xác định tiếp tục đột phá nhằm vươn đến một nấc thang phát triển cao hơn. Trong đó, việc nâng cấp nền tảng công nghiệp, giúp gia tăng năng suất lao động, việc xây dựng các hệ sinh thái mới nhằm ươm mầm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư hiện hữu có thể tự động hóa, chuyển đổi số, xây dựng các hệ thống nhà máy thông minh… là những bước đi quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

 GIẢI PHÁP ỨNG DỤNG THÀNH PHỐ THÔNG MINH, KHU CÔNG NGHIỆP THÔNG MINH- BƯỚC ĐI ĐỘT PHÁ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

 

Hành trình đột phá vươn lên của Bình Dương trong 26 năm qua gắn liền với mô hình hệ sinh thái Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ mà tiêu biểu là Khu liên hợp Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ Bình Dương, có diện tích lên đến 4.196 ha. Bao quanh Khu liên hợp này là 7 khu công nghiệp được hình thành với tỷ lệ lấp đầy cao, tạo đòn bẩy cho việc dịch chuyển phát triển công nghiệp từ phía nam lên phía bắc của Bình Dương, như các Khu công nghiệp Becamex Mỹ Phước 1, 2, 3, 4 và xa hơn nữa là Khu công nghiệp Bàu Bàng, Bàu Bàng Mở rộng và hiện này là Khu công nghiệp VSIP III. Tại trung tâm của Khu liên hợp là Thành phố mới Bình Dương, được tỉnh đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính tập trung, Trung tâm Hội nghị Triển lãm. Cùng với đó là các công trình Trung tâm Thương mại Thế giới Thành phố Mới Bình Dương (WTC BDNC), trường Đại học quốc tế miền Đông... nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, thông qua Khu liên hợp, các tuyến đường tạo lực xung quanh được phát triển, để thúc đẩy và gắn kết hệ thống các khu công nghiệp với nhau và với cảng biển sân bay quốc tế, như các dự án mở rộng Quốc Lộ 13, tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn – Bàu Bàng, DT743, DT746, Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng,… và một số đoạn đi qua Bình Dương của tuyển Vành Đai 3, Vành Đai 4,… được hình thành để hoàn thiện trục giao thông kết nối về cảng biển sân bay quốc tế như: Sân bay Long Thành, Cảng Cái mép – Thị vải. Tổng hòa lại đã kiến tạo nên một hạ tầng đồng bộ, tạo ra lợi thế cạnh tranh không nhỏ cho tỉnh trong những năm qua.

Nhờ tích cực chuyển hướng, đổi mới sáng tạo và chủ động vươn lên, liên tiếp 5 năm liền (2018- 2022), vùng thông minh Bình Dương được Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới ICF vinh danh là 1 trong 21 Cộng đồng Thông minh tiêu biểu của Thế giới (Smart 21) và 2 lần liên tiếp (2021-2022) được vinh danh Top 7 Cộng đồng thông minh thế giới. Vùng đô thị Bình Dương đã thỏa mãn 6 tiêu chí bao gồm: Nền tảng kết nối băng thông rộng, nguồn nhân lực tri thức, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, bình đẳng công nghệ số và cam kết đồng lòng của cả cộng đồng.

 Mặc dù đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đầy ấn tượng nhưng Bình Dương cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy vậy, xu thế chuyển đổi số, tự động hóa và cao hơn là tự hành cũng mang đến những cơ hội không nhỏ cho các lĩnh vực AI, IoT, Big Data ứng dụng trong các lĩnh vực hạ tầng Thành phố Thông minh, hạ tầng Công nghiệp Thông minh. Với những nền tảng hiện hữu về công nghiệp – đô thị đã được đầu tư xây dựng trong thời gian qua, tỉnh Bình Dương tiếp tục xây dựng hệ sinh thái kiểu mới, bổ sung cho mô hình Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ, đó là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, xây dựng các khu công nghiệp thông minh, đô thị thông minh xanh, bền vững, tiến tới xây dựng các khu công nghiệp gắn liền với khoa học và công nghệ để thu hút các ngành có giá trị gia tăng cao, tham gia góp phần đưa nền công nghiệp Bình Dương đi lên phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, từng bước xây dựng động lực phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số thay thế cho động lực kinh tế thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai.                   

Với định hướng phát triển như trên, vừa qua, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức sự kiện công bố giải pháp ứng dụng thành phố thông minh, khu công nghiệp thông minh và lễ ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược giữa Công ty VNTT – Đơn vị thành viên của Tổng Công ty Becamex IDC và NTT DATA - Thành viên của Tập đoàn NTT Nhật Bản. Sự kiện này được coi như nền tảng đầu tiên cho quá trình tự làm chủ các giải pháp công nghệ và triển khai thực tiễn của các doanh nghiệp trong tỉnh, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nâng cấp hạ tầng các khu đô thi, khu công nghiệp, nhà máy trở nên thông minh, hiện đại… góp phần vào sự phát triển thịnh vương chung của tỉnh Bình Dương.

Để xây dựng Thành phố thông minh, Khu công nghiệp thông minh trong giai đoạn mới, tỉnh sẽ triển khai hai giai đoạn chính, gồm giai đoạn một: Xây dựng mới và nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành các khu công nghiệp xanh, thông minh, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 như IIoT, Big Data, AI… để giúp nhà đầu tư dễ dàng triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh nhanh chóng và hiệu quả. Giai đoạn hai: Phát triển các khu công nghiệp gắn liền với khoa học và công nghệ để thu hút các viện trường, các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, các ngành dịch vụ, dịch vụ số.            

Với các giải pháp ứng dụng thành phố thông minh, khu công nghiệp thông minh đang và sẽ được triển khai, Bình Dương ngày càng có nhiều kết nối sâu rộng về mặt công nghệ, giải pháp, hướng đến làm chủ các nền tảng công nghệ mới để vươn tầm phát triển trong giai đoạn mới. Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra./.