Năm 2019, ngành ngân hàng Bình Dương kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng cao hơn, năm 2017. Đây không chỉ là đòn bẩy thúc đẩy quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, mà còn là điều kiện để ngành ngân hàng duy trì hiệu quả hoạt động từ các nghiệp vụ chủ lực của ngành trong nền kinh tế.
Năm 2019, Hệ thống các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Dương phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% so với năm 2018, nghĩa là dư nợ tín dụng phải đạt ít nhất 202.000 tỷ đồng, tăng 26.000 tỷ đồng so với năm 2018. Không chỉ đảm bảo chỉ tiêu này, các ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện quá trình đồng hành cùng với các thành phần kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời đảm bảo tính hiệu quả, an toàn trong toàn hệ thống.
Năm qua, hệ thống các ngân hàng thương mại trên địa bàn Tỉnh Bình Dương đã đạt mức tăng trưởng tín dụng 15,12% so với năm 2017, với dư nợ tín dụng hơn 175.800 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ ngắn hạn đạt hơn 91.400 tỷ đồng, chiếm 52%; dư nợ trung và dài hạn đạt hơn 84.300 tỷ đồng, chiếm 48% tổng dư nợ. Cơ cấu này đang ở mức lý tưởng. Đáng ghi nhận là cơ cấu dư nợ cho vay và dư nợ theo ngành đáp ứng tốt các yêu cầu điều hành của Ngân hàng nhà nước Việt Nam và đảm bảo an toàn trong hệ thống.
Cùng với công tác cấp vốn, thời gian qua, các ngân hàng trên địa bàn Bình Dương đã tích cực giảm lãi suất cho tất cả các khoản vay, với mức giảm 1-2% so với cuối năm 2017. Đến cuối năm 2018, lãi suất tất cả các khoản cho vay bằng Việt Nam đồng đối với khu vực nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ chỉ còn ở mức 5-7 % đối với khoản vay ngắn hạn; lãi suất 9%-11% đối với khoản vay trung và dài hạn. Lãi suất này đang được duy trì sẽ là điều kiện để toàn ngành hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng trong năm nay.
Với tiềm năng của một địa phương phát triển kinh tế năng động thuộc top đầu cả nước, với nguồn lực nội tại của mình, chắc chắn ngành ngân hàng Bình Dương sẽ hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra, đáp ứng đầy đủ các yếu tố hiệu quả, an toàn, hiện đại và tiện ích.