Trong quá trình công nghiêp hóa, đô thi hóa, diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp giảm, việc phát triển nông nghiệp đô thị được xem là giải pháp mang lại nhiều hiệu quả. Hiện nay, khu vực phía Nam Bình Dương đang tiếp tục hình thành nhiều mô hình nông nghiệp đô thị đem lại kinh tế cao, khai thác tốt tiềm năng về lao động và đất đai ở khu vực đô thị.
20 năm gắn bó với nghề trồng rau mầm, anh Huỳnh Văn Khải ở phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một đã xây dựng thành công và tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ mô hình trồng rau mầm trên diện tích nhỏ, đem lại thu nhập cao cho gia đình. Chỉ gần 100 m2 trồng rau mầm nhưng mỗi năm gia đình anh có nguồn thu nhập bình quân hơn 600 triệu đồng.
Là người dân quê gốc Bến Tre, nhưng với đam mê làm nông nghiệp, anh muốn tìm tòi mô hình mới, hiệu quả cao trên vùng đất mới. Anh lên Bình Dương lập nghiệp. Năm 1999, anh chính thức bắt tay trồng rau mầm. Là người tiên phong trồng rau mầm tại Bình Dương, khó khăn lúc đầu là chưa có nhiều tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trồng và chưa có người đi trước để học hỏi kinh nghiệm. Song, với quyết tâm xây dựng trại trồng rau mầm, anh thiết kế trại, giá đỡ, khay trồng.. để vừa trồng vừa tích lũy kinh nghiệm và anh đã thực sự thành công. Trồng rau mầm có thể sử dụng nhiều loại hạt giống khác nhau như: đậu phộng, đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh, cải trắng, cải thìa, rau muống…Loại hạt cho năng suất cao nhất là hạt cải thìa. Rau mầm là loại cây ngắn ngày, sau khi gieo hạt khoảng từ 5-7 ngày cho thu hoạch. Riêng hạt giống đậu phộng thời gian dài hơn, từ 10-15 ngày cho thu hoạch. Giá thể sau khi trồng xong đem đi xử lý và thay bằng giá thể khác để trồng rau mầm cho vụ tiếp theo. Hiện các loại rau mầm có giá bán bình quân: mầm đậu phộng: 150.000 đồng/kg, mầm rau muống 80.000 đồng/kg; mầm cải thìa và các loại đậu 60.000 đồng/kg. Bình quân mỗi ngày cơ sở rau mầm Khải Yến thu hoạch và cung cấp cho thị trường 600kg rau, các ngày thứ 7, chủ nhật sản lượng tăng gấp 2 đến 3 lần.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao hiện ngày càng được nông dân đầu tư mở rộng, kể cả ở khu vực đô thị của tỉnh Bình Dương. Trên diện tích 2.200 m2, anh Trần Anh Tuấn ở phường Chánh Mỹ, TP.TDM xây dựng nhà kính trồng dưa lưới với tổng vốn đầu tư 1 tỷ đồng. Trong đó, anh vay vốn theo Quyết định 04 của UBND tỉnh về hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 700 triệu đồng, đầu tư xây dựng 2 gian nhà kính trồng dưa lưới theo hình thức thủy canh hồi lưu. Trồng theo phương thức này, cây trồng không sử dụng giá thể mà được trồng trong hệ thống ống nhựa và luôn được đảm bảo cung cấp đủ lượng nước và dinh dưỡng cho rễ và cây sinh trưởng, phát triển qua hệ thống cung cấp tự động. Giống dưa lưới được anh trồng cho toàn bộ khu vực vườn đều là giống Nhật. Thời gian từ trồng đến thu hoạch khoảng 75 đến 80 ngày. Việc đầu tư nhà kính để cách ly côn trùng gây bệnh và hạn chế ảnh hưởng khi thời tiết thay đổi thất thường đối với cây trồng. Mô hình sản xuất dưa lưới công nghệ cao cho sản phẩm an toàn, được tiêu thu mạnh trên thị trường. Qua năm đầu trồng thử nghiệm dưa lưới thủy canh hồi lưu đã đem lại nguồn kinh tế khá cho gia đình với lợi nhuận đạt hơn 200 triệu đồng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã hình thành 45 loại hình nông nghiệp đô thị, góp phần cung ứng cho thị trường lượng lớn lương thực, thực phẩm an toàn, tạo thêm mảng xanh đô thị, không gây ô nhiễm môi trường. Với ưu điểm và hiệu quả mang lại, mô hình nông nghiệp đô thị tiếp tục được tỉnh khuyến khích nhân rộng.