Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Bình Dương chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, vùng phía nam Bình Dương đầu tư nhiều loại hình nông nghiệp đô thị hiệu quả, góp phần vào chuỗi giá trị gia tăng bền vững của ngành nông nghiệp Bình Dương.
HIỆU QUẢ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ Ở BÌNH DƯƠNG
Đầu tư mô hình nuôi trồng Đông trùng hạ thảo từ năm 2016, đến nay, anh Bùi Minh Sơn ở phường Hiệp An, thành phố Thủ Dầu Một đã thành công với mô hình này. Mặc dù vốn đầu tư khá cao nhưng hiệu quả kinh tế mang lại ổn định. Anh đầu tư hơn 2,6 tỷ đồng để mua máy móc thiết bị nuôi trồng trên diện tích 350m2. Song song đó, anh nghiên cứu công nghệ nuôi trồng, đi sâu tìm hiểu về thành phần dinh dưỡng và các yếu tố tác động, từ đó tạo điều kiện trong phòng nuôi phù hợp cho nấm phát triển. Nuôi trồng Đông trùng hạ thảo qua 3 công đoạn chính đó là: hấp nguyên liệu, cấy meo và nuôi. Sau 60-70 ngày có thể thu hoạch sản phẩm. Bình quân mỗi tuần, gia đình anh thu được 5kg đông trùng hạ thảo tươi. Với giá bán 70 triệu đồng/kg, đem lại nguồn thu nhập khá. Với diện tích nhỏ nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 45 loại hình nông nghiệp đô thị, với 4 nhóm chăn nuôi, 6 nhóm trồng trọt. Trong trồng trọt có loại hình trồng rau thực phẩm, loại hình trồng và kinh doanh sinh vật cảnh, loại hình cây xanh và mảnh xanh đô thị, nhóm trồng cây hàng năm. Trong chăn nuôi, ngoài nhóm nuôi thủy sản đã hình thành từ nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh còn hình thành các mô hình chăn nuôi mới như nuôi chim bồ câu, dế, chim yến, cá sấu, ếch, rắn, trăn và các loại hình nuôi động vật hoang dã khác. Hiện có trên 400 hộ đầu tư chăn nuôi trên 70.000 con các loại. Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp đô thị trên địa bàn tỉnh hiện đạt 122 hecta.
Việc phát triển đa dạng các mô hình nông nghiệp đô thị đã mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân. Khai thác tốt nguồn lao động và đất đai khu vực đô thị, thực hiện hiệu quả định hướng phát triển nông nghiệp đô thị của tỉnh. Các mô hình nông nghiệp đô thị được hình thành đa dạng còn thể hiện sự nhạy bén của nông dân trong chuyển dịch cơ cấu nông nghịêp theo hướng hiện đại gắn với phát triển đô thị của tỉnh Bình Dương.
Mục tiêu đến năm 2020, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đô thị trên địa bàn vùng phía Nam của tỉnh đạt hơn 3.780 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, Bình Dương đang tiếp tục tăng cường các nguồn vốn vay ưu đãi cho nông dân, tạo điều kiện cho nông dân đầu tư phát triển nông nghiệp đô thị nhằm khai thác tốt hơn nữa các nguồn lực sẵn có ở khu vực đô thị của địa phương.