Sáng 27/11, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh, UBND tỉnh Bình Dương và Tổng Lãnh sự quán Hà Lan tại TPHCM phối hợp tổ chức Hội nghị thành phố thông minh Bình Dương lần thứ 2 năm 2017.
Dự hội nghị có ông Trần Văn Nam-Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy – Trưởng Ban chỉ đạo TP thông minh Bình Dương; Ông Phạm Văn Cành : Phó bí thư Thường trựcTỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trần Thanh Liêm-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh – Chủ tịch Hội đồng cố vấn TP thông minh Bình Dương; Ông Nguyễn Hữu Từ - Phó bí thư Tỉnh ủy. Đại diện các Bộ ngành TW; lãnh đạo các tỉnh lân cận. Về khách quốc tế có: bà Nienke Trooster-Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam; ông Simon Vander Burg-Tổng Lãnh sự Hà Lan tại TPHCM; bà Mary Ann Schreuers-Phó Thị trưởng thành phố Eindhoven (Hà Lan). Đại diện các Lãnh sự quán tại thành phố Hồ Chí Minh, các diễn giả, các nhà khoa học quốc tế và trong nước.
Đề án thành phố thông minh Bình Dương được UBND tỉnh Bình Dương chính thức phê duyệt vào tháng 11/2016, là một chương trình chiến lược đột phá kinh tế - xã hội của Bình Dương đến năm 2021, tầm nhìn 2030, hướng đến phát triển một nền kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn, một nền dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, quy hoạch đô thị theo hướng thông minh và tạo tiền đề tiến lên nền kinh tế tri thức.
Tại hội thảo, Ông Trần Thanh Liêm, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương trình bày tham luận về Chiến lược đột phá kinh tế xã hội – xây dựng đô thị thông minh trong điều kiện Bình Dương. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định việc Bình Dương ứng dụng mô hình hợp tác 3 nhà : nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp, từng bước chuyển đổi sang nền kinh tế dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, hướng đến xây dựng thành phố thông minh là giải pháp tối ưu và khả thi nhất để tiến tới thành công , đồng thời tạo thuận lợi cho kinh tế xã hội của tỉnh tăng tốc và phát triển vượt bậc, bên vững.
TP thông minh Bình Dương được định nghĩa như 1 hệ sinh thái năng động, sáng tạo, kết nối , trong đó, mọi thành tố liện tục được cải tiến, đổi mới và tối ưu hóa không ngừng nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Bình Dương. Chính vì vậy, một trong những nội dung quan trọng của Đề án TP thông minh Bình Dương là nội dung Bình Dương Navigator được phát triển theo hướng mở và luôn được cập nhật thường xuyên, bao gồm 46 hành động cụ thể thuộc 14 chương trình, chia thành 4 yếu tố cơ bản, đó là con người, công nghệ, doanh nghiệp, và các yếu tố nền tảng.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết, hiện có rất nhiều dự án trên nhiều lĩnh vực đã và đang được đồng loạt triển khai tại BD từ giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp cho đến hiện đại hóa đô thị, quy hoạch khu công nghiệp khoa học công nghệ, đột phá trong qui hoạch giao thông thông minh. Tỉnh đang tiến hành xây dựng các phòng thực nghiệm công nghệ, trung tâm công nghệ nghiên cứu thông minh, tạo ra cơ sở dữ liệu chuỗi cung ứng; phát triển ngành công nghiệp chất bán dẫn…để tạo nền tảng căn bản cho việc xây dựng thành phố thông minh.
Thảo luận của các diễn giả tại hội thảo đã đánh giá cao và tán đồng cách tiếp cận, định hướng của tỉnh Bình Dương để xây dựng TP thông minh và sẵn sàng hợp tác với tỉnh Bình Dương để xây dựng TP thông minh đúng định hướng đề ra. Các diễn giả cho rằng tỉnh cần sử dụng các phương án tối ưu hóa, ứng dụng công nghệ thông minh để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân…