Sáng 27/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về phổ biến, quán triệt chỉ số 10/ CT – TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Tại điểm cầu Bình Dương, ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì.
Theo báo cáo của Tổng thanh tra chính phủ Lê Minh Khái, Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra thực tế tham nhũng vặt tại nhiều cấp, nhiều ngành. Một số cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách pháp luật; lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc…gây bức xúc, xói mòn lòng tin của người dân, doanh nghiệp. Tham nhũng vặt không còn là chuyện vặt mà đã trở thành vấn đề lớn, gây nhức nhối trong xã hội. Chỉ thị cũng phân tích 5 nguyên nhân và 4 nhóm giải pháp để phòng ngừa tham nhũng.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung làm rõ mục tiêu, ý nghĩa của Chỉ thị số 10 của Thủ tướng chính phủ; cơ chế nâng cao nhận thức, trách nhiệm người đứng đầu; chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; công chức, viên chức,…
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, để chủ động phòng ngừa vi phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; phát huy tốt vai trò giám sát của cơ quan dân cử, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong việc phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng. Mọi hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng, lót tay trong cơ quan công quyền, khi phát hiện cần được đưa ra xét xử nghiêm minh, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa trong toàn xã hội. Đã đến lúc hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ ngay tại cơ sở để "không thể tham nhũng", hạn chế sự tác động tiêu cực của "nhóm lợi ích", "sân sau", ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng ngay từ khi xây dựng chính sách.