Sáng 20/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN – PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết phòng chống thiên tai năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019.
Tại điểm cầu Bình Dương, ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh; ông Lê Cảnh Dần – Phó Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh chủ trì.
Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo TW về phòng chống thiên tai đã công bố quyết định của Thủ tướng về kiện toàn Ban Chỉ đạo. Theo đó, chỉ định Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng Ban, bổ sung thêm các thành viên là lãnh đạo các Bộ ngành có liên quan vào Ban Chỉ đạo.
Hội nghị đã tập trung thảo luận về ảnh hưởng, diễn biến của thiên tai; công tác phòng ngừa, ứng phó tại các địa phương trong cả nước. Theo báo cáo, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, thiệt hại có xu hướng ngày càng gia tăng về số lượng cũng như mức độ thảm khốc, rủi ro. Trong năm 2018, cả nước bị ảnh hưởng của 14 cơn bão, áp thấp nhiệt đới cùng 16/21 loại hình thiên tai. Thiên tai đã khiến 224 người chết và mất tích, hàng ngàn tàu thuyền, nhà cửa hạ tầng đã bị nhấn chìm, đổ sập, gây thiệt hại khoảng 20 ngàn tỷ đồng. Riêng Bình Dương, theo thống kê, thiên tai chủ yếu là mưa và lốc xoáy, đã làm 3 người chết, 4 người bị thương, làm thiệt hại tài sản khoảng hơn 22 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 71 điểm sạt lở dọc các sông, trong đó, 65 điểm đã ổn định, 7 điểm tiếp tục sạt lở.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, các địa phương cần chủ động ứng phó linh hoạt trong các tình huống và có sự phối hợp tốt với các ngành để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Trên cơ sở các loại hình thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai thường xảy ra tại địa phương, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai các cấp cần rà soát, xây dựng phương án ứng phó với thiên tai sát với thực tế, đặc biệt là các phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, phương án hộ đê, phương án phòng chống lụt bão công trình... Thường xuyên kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ vi phạm luật về bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều. Cả hệ thống chính trị cần vào cuộc, xã hội hóa các nguồn lực để làm tốt công tác phòng ngừa và ứng phó thiên tai theo phương châm ‘4 tại chỗ”, đảm bảo xã hội an toàn trước thiên tai theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ.