Trong quá trình hội nhập và phát triển của nền kinh tế đang đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ với trọng tâm là cuộc cách mạng công nghệ thông tin 4.0 và các vấn đề môi trường toàn cầu, đòi hỏi mỗi quốc gia cần có sự chủ động để tiếp nhận và thích ứng.Với nhận thức trên, kiểm toán nhà nước Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, trong đó giải pháp then chốt là phát triển các loại hình kiểm toán mới, như phát triển kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường và kiểm toán hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

I. KIỂM TOÁN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Theo Chuẩn mực ISSAI 5300, kiểm toán công nghệ thông tin được định nghĩa: “Là hoạt động kiểm tra và đánh giá các hệ thống công nghệ thông tin và hệ thống kiểm soát liên quan nhằm bảo đảm hoặc xác định các vi phạm về quy định pháp luật, tính hiệu quả, tính hiệu lực và tính kinh tế của hệ thống công nghệ thông tin và hệ thống kiểm soát liên quan đó”. Do đó việc vận dụng kinh nghiệm quốc tế về phát triển kiểm toán công nghệ thông tin của kiểm toán nhà nước được thực hiện đồng bộ trên các lĩnh vực sau:

(1) Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán: Nhận thức được vai trò của công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán, đặc biệt là việc sử dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công việc kiểm toán, trong thời gian qua, kiểm toán nhà nước đang triển khai xây dựng Chiến lược và Khung kiến trúc công nghệ thông tin của kiểm toán nhà nước đến năm 2030; xây dựng, đưa vào sử dụng một số phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán, như: Phần mềm Nhật ký kiểm toán, Phần mềm Cơ sở dữ liệu đầu mối kiểm toán, Phần mềm Quản lý tiến độ kiểm toán, Phần mềm hỗ trợ lập biên bản và Báo cáo kiểm toán, Phần mềm tổng hợp kết quả kiểm toán, Phần mềm quản lý thực hiện kiến nghị kiểm toán… Kết quả ban đầu cho thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán không chỉ góp phần giúp KTV có công cụ tương thích với hệ thống công nghệ thông tin của đơn vị kiểm toán mà còn góp phần tăng cường tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động kiểm toán. Đây là tiền đề để kiểm toán nhà nước tiếp tục phát huy, xây dựng và ứng dụng các phần mềm, công cụ hỗ trợ kiểm toán trong hoạt động kiểm toán trong thời gian tới.

(2) Kiểm toán trong môi trường máy tính:Căn cứ định hướng của INTOSAI về phát triển kiểm toán công nghệ thông tin, trong thời gian qua, kiểm toán nhà nước đã thực hiện lồng ghép kiểm toán công nghệ thông tin trong một số cuộc kiểm toán đối với các đơn vị, lĩnh vực sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành nhằm hỗ trợ đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ, trong đó trọng tâm là đánh giá tính hiệu quả, hiệu lực của hệ thống công nghệ thông tin; việc tuân thủ các quy định trong quản lý, vận hành hệ thống công nghệ thông tin và đánh giá rủi ro có sai phạm trọng yếu phát sinh từ hệ thống công nghệ thông tin... Tiêu biểu trong số đó là việc thực hiện một số kỹ thuật kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin nhằm đánh giá hệ thống công nghệ thông tin trong một số cuộc kiểm toán ngân sách địa phương tại Thành phố Đà Nẵng,tỉnh Quảng Nam và một số ngân hàng thương mại. Thông qua việc ứng dụng các kỹ thuật kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin đã hỗ trợ các KTV trong việc theo dõi các nguồn kinh phí; tổng hợp số liệu và phát hiện các hành vi theo dõi và báo cáo các thông tin thiếu trung thực về quản lý đất đai, lập sổ bộ thu thuế đất phi nông nghiệp… Hoạt động ứng dụng kỹ thuật kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tincần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phổ biến tới từng KTV, nhằm giúp KTV thực hiện các cuộc kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin đạt chất lượng và hiệu quả.

(3) Kiểm toán hệ thống công nghệ thông tin:Bên cạnh việc nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin, kiểm toán nhà nước cũng thí điểm tổ chức một cuộc kiểm toán độc lập về “Kiểm toán hệ thống công nghệ thông tin liên quan đến lập BCTC tại Ngân hàng TMCP Vietcombank” nhằm đánh giá tính tuân thủ, hiệu quả và hiệu lực của hệ thống công nghệ thông tin liên quan đến việc lập BCTC tại Ngân hàng TMCP Vietcombank; kiểm toán Chuyên đề Hệ thống công nghệ thông tin liên quan đến công tác quản lý thu ngân sách tại Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan… Thông qua hoạt động kiểm toán, kiểm toán nhà nước đã chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong quản trị công nghệ thông tin như: Không cập nhật các phần mềm đáp ứng các thay đổi về quản lý của Ngân hàng nhà nước; không tổ chức lưu giữ hệ thống hồ sơ phần mềm có hệ thống; quản lý mật khẩu thiếu chặt chẽ; thiếu kiểm soát nghiệp vụ bằng hệ thống công nghệ thông tin; không trả tiền lãi dưới 1.000 đồng cho các khoản vay không kỳ hạn... Mô hình kiểm toán hệ thống công nghệ thông tin mặc dù còn mới nhưng hứa hẹn là lĩnh vực kiểm toán nhà nước cần tập trung nghiên cứu, thực hiện trong thời gian tới khi công nghệ 4.0 được ứng dụng trong thực tiễn và môi trường công nghệ thông tin trở lên phổ biến tại các đơn vị được kiểm toán.

(4) Kiểm toán các dự án công nghệ thông tin: Đây là hoạt động đã được kiểm toán nhà nước triển khai thực hiện thực hiện trong nhiều năm qua và đang tiếp tục được thực hiện tại kiểm toán nhà nước, trong đó hàng năm kiểm toán nhà nước đã lựa chọn để kiểm toán các dự án công nghệ thông tin có quy mô lớn để tổ chức thành các cuộc kiểm toán độc lập hoặc lựa chọn kiểm toán chi tiết đối với các Dự án công nghệ thông tin hoặc nguồn kinh phí mua sắm trang thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin trong các cuộc kiểm toán tài chính, kiểm toán chuyên đề hoặc kiểm toán tuân thủ. Các hoạt động kiểm toán này cơ bản thực hiện theo các quy trình kiểm toán đã được kiểm toán nhà nước ban hành, trong đó các KTV có vận dụng các kinh nghiệm và kiến thức về công nghệ thông tin để xem xét đến các yếu tố đặc thù vềcông nghệ thông tin thuộc dự án.

II. KIỂM TOÁN MÔI TRƯỜNG

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã và đang thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển và hội nhập mạnh mẽ với nền kinh tế thế giới.Bên cạnh những mặt tích cực, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức cả ở trong và ngoài nước về ô nhiễm môi trường, suy giảm sinh học và biến đổi khí hậu, đòi hỏi sự hợp tác và các giải pháp chung trong khu vực và trên toàn thế giới. Trước những thách thức đó, kiểm toán nhà nước đã xác định trách nhiệm và vai trò của cơ quan kiểm toán nhà nước trong việc bảo vệ môi trường nói riêng và thúc đẩy phát triển bền vững nói chung, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:

(1) Thực hiện thí điểm các cuộc kiểm toán môi trường: Năm 2008, sau khi trở thành thành viên Nhóm công tác về kiểm toán môi trường của ASOSAI, kiểm toán nhà nước Việt Nam đã nghiên cứu, thiết lập bộ máy và triển khai thí điểm các cuộc kiểm toán về môi trường. Đây là các cuộc kiểm toán nhằm đánh giá công tác quản lý môi trường đối với các khu công nghiệp của địa phương; việc thực hiện giải pháp giảm sử dụng túi ni lông thông thường tại Thành phố Hồ Chí Minh…. Qua kiểm toán bước đầu phát hiện và kiến nghị một số bất cập trong quản lý của cơ quan nhà nước đối với các hoạt động tiềm ẩn rủi ro tác động xấu tới môi trường. Đây là tiền đề để kiểm toán nhà nước tổ chức đúc kết kinh nghiệm, nghiên cứu ưu nhược điểm của các phương pháp tổ chức kiểm toán môi trường hiện nay để có giải pháp hoàn thiện và tổ chức hiệu quả hoạt động của lĩnh vực này. Đồng thời cần sớm xây dựng Sổ tay hướng dẫn kiểm toán môi trường nhằm hướng dẫn các KTV về các đặc điểm đặc thù trong quá trình triển khai thực hiện kiểm toán theo từng lĩnh vực môi trường.

(2) Thực hiện đánh giá tác động môi trường trong các cuộc kiểm toán của kiểm toán nhà nước: Theo hướng dẫn của ISSAI 5120 - Kiểm toán môi trường trong bối cảnh kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ, việc kiểm toán môi trường có thể được thực hiện lồng ghép trong các cuộc kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ, trong đó KTV thực hiện đánh giá tác động của các vấn đề môi trường đến báo cáo tài chính; việc tuân thủ các quy định về quản lý môi trường của các dự án, đơn vị được kiểm toán; đánh giá rủi ro về môi trường trong hệ thống kiểm soát nội bộ và hệ thống kiểm soát môi trường của đơn vị được kiểm toán. Thực tế, việc đánh giá tác động môi trường trong hoạt động kiểm toán tuân thủ, kiểm toán tài chính của kiểm toán nhà nước đã và đang được thực hiện trong nhiều năm gần đây đặc biệt là các cuộc kiểm toán chuyên đề liên quan đến quản lý sử dụng tài nguyên và môi trường như: Kiểm toán CTMTQG về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn;kiểm toán Chương trình giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm toán Dự án chuyển hóa Carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam (LCEE)…Thông qua việc đánh giá tác động môi trường trong kiểm toán tuân thủ và kiểm toán tài chính đã góp phần hỗ trợ KTV đạt được các mục tiêu kiểm toán đề ra, mặt khác cũng là cơ sở để KTV đưa ra các kết luận, kiến nghị và giải pháp về các vấn đề môi trường nói riêng và phát triển bền vững nói chung, đồng thờilà cơ sở để kiểm toán nhà nước tiếp tục nghiên cứu vận dụng mở rộng lồng ghép đánh giá tác động môi trường trong các cuộc kiểm toán thời gian tới.

(3) Hợp tác quốc tế về kiểm toán môi trường: Kiểm toán môi trường không chỉ là một lĩnh vực mới, đây còn là lĩnh vực có liên quan đến nhiều quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới đặc biệt là các vấn đề về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Với nhận thức trên, kiểm toán nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán môi trường để vừa học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm vừa phối hợp thực hiện các mục tiêu kiểm toán chung, trong đó phải kể đến các nỗ lực về tổ chức kiểm toán phối hợp với Lào, Campuchia đối với cuộc kiểm toán các vấn đề nước sông Mê Kông; tham gia hội thảo và chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia trong khu vực về kiểm toán môi trường và đặc biệt việc kiểm toán nhà nước Việt Nam đã đề xuất và được cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao Châu Á chấp thuận chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” cho Đại hội ASOSAI 14 tại Việt Nam. Đây cũng làcơ hội để kiểm toán nhà nước tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực kiểm toán môi trường, đồng thời thể hiện nỗ lực và đóng góp thiết thực của kiểm toán nhà nước Việt Nam đối với công cuộc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của thế giới nói chung và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu nói riêng.

III. KIỂM TOÁN HOẠT ĐỘNG

Thực hiện Chiến lược phát triển kiểm toán nhà nước đến 2020 về đa dạng hóa các loại hình kiểm toán theo quy định của Luật kiểm toán nhà nước, trọng tâm là đẩy mạnh kiểm toán hoạt động để đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, kiểm toán nhà nước đã tổ chức nghiên cứu ban hành chuẩn mực, quy trình kiểm toán hoạt động; thiết lập bộ máy để triển khai áp dụng kiểm toán hoạt động trong thực tiễn kiểm toán thông qua 03 hình thức tổ chức kiểm toán chủ yếu sau:

(1) Lồng ghép nội dung kiểm toán hoạt động trong các cuộc kiểm toán tài chính:Thực hiện lồng ghép nội dung kiểm toán hoạt động trong các cuộc kiểm toán tài chính, đặc biệt là kiểm toán quyết toán ngân sách bộ, ngành và địa phương đã được kiểm toán nhà nước thực hiện trong nhiều năm gần đây. Trong đó, tại các cuộc kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước, kiểm toán nhà nước đều đặt ra mục tiêu,nội dung và bố trí thời gian, nhân lực để thực hiện “đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công” của các bộ, ngành, địa phương được kiểm toán. Mặc dù hiệu quả của việc lồng ghép kiểm toán hoạt động trong các cuộc kiểm toán quyết toán ngân sách chưa thực sự rõ ràng và khó tách biệt riêng để ghi nhận, tuy nhiên thực tế cho thấy, các đánh giá về tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, sử dụng ngân sách tại một số báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương, bộ, ngành đã góp phần giúp các đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh công tác quản lý, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong sử dụng ngân sách nhà nước, tăng cường chất lượng quản lý tài sản công. Do đó, việc lồng ghép này cần được kiểm toán nhà nước tiếp tục nghiên cứu để tổ chức triển khai hiệu quả trong các cuộc kiểm toán tài chính nói chung và kiểm toán ngân sách địa phương, bộ ngành nói riêng.

(2) Kiểm toán chuyên đề:Việc thực hiện kiểm toán chuyên đề đang được kiểm toán nhà nước đẩy mạnh trong các năm gần đây nhằm tập trung đánh giá sâu và toàn diện về một chủ đề hoặc nội dung được Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội quan tâm. Về nguyên tắc các cuộc kiểm toán chuyên đề là cuộc kiểm toán lồng ghép cả ba loại hình kiểm toán (kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động), song thực tế cho thấy, các cuộc kiểm toán chuyên đề trong thời gian qua chủ yếu tập trung và nhấn mạnh vào nội dung kiểm toán hoạt động, trong đó đặc biệt tập trung đánh giá hiệu lực của việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án hoặc hoạt động được kiểm toán. Qua đó, kiểm toán nhà nước đã kịp thời kiến nghị Đảng, Quốc hội và Chính phủ sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ nhiều cơ chế, chính sách và văn bản pháp luật không phù hợp hoặc tiềm ẩn rủi ro thất thoát tài chính công, tài sản công, điển hình là chuyên đề kiểm toán dự án BOT, BT; định giá doanh nghiệp trước khi công bố giá trị cổ phần hóa, thu tiền sử dụng đất đô thị… Với kết quả đã đạt được, việc kiểm toán chuyên đề mà trọng tâm là nội dung kiểm toán hoạt động cần được đẩy mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao Đảng, Nhà nước đối với hoạt động của kiểm toán nhà nước nói chung và công tác đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nói riêng.

(3) Kiểm toán hoạt động độc lập:Triển khai áp dụng Chuẩn mực ISSAI 300 và 3000, kiểm toán nhà nước đã nghiên cứu để thực hiện các cuộc kiểm toán hoạt động độc lập theo đúng quy trình và chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Hàng năm, kiểm toán nhà nước luôn ưu tiên lựa chọn các chương trình mục tiêu, các dự án, các chủ đề được dư luận xã hội quan tâm hoặc có rủi ro cao về tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực để tổ chức kiểm toán hoạt động. Đến nay số lượng các cuộc kiểm toán hoạt động độc lập chiếm khoảng 10-15% số lượng các cuộc kiểm toán do kiểm toán nhà nước thực hiện và có xu hướng tăng dần qua từng năm. Kết quả kiểm toán bước đầu cho thấy, kiểm toán hoạt động sẽ là xu hướng phát triển tất yếu của kiểm toán nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước trong việc nâng cao tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tuy nhiên, để áp dụng kiểm toán hoạt động rộng rãi, kiểm toán nhà nước cần tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy công chức làm kiểm toán hoạt động, tăng cường đào tạo kỹ năng, phương pháp kiểm toán hoạt động cho kiểm toán viên để vận dụng trong thực tiễn kiểm toán nói chung và các cuộc kiểm toán hoạt động độc lập nói riêng.

Như vậy, mặc dù là cơ quan kiểm toán nhà nước được thành lập tương đối muộn, nhưng với nỗ lực hội nhập và phát triển, tinh thần học hỏi và chia sẻ với cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao khu vực và thế giới, kiểm toán nhà nước Việt Nam đang từng bước hoàn thiện chức năng nhiệm vụ, phát triển các loại hình kiểm toán mới nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển cũng như khẳng định vai trò, địa vị pháp lý của kiểm toán nhà nước Việt Nam; thể hiện trách nhiệm và nỗ lực đóng góp của kiểm toán nhà nước với cộng đồng quốc tế vì mục tiêu minh bạch tài chính và phát triển bền vững.

Ông Trần Khánh Hòa

Vụ trưởng

Vụ Tổng hợp