Sáng 17-5, tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017, với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Hội nghị được kết nối trực tuyến với các tỉnh thành. Đầu cầu tại tỉnh Bình Dương có đồng chí Trần Thanh Liêm – Phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở , ngành, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh những nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh bình đẳng. Tại hội nghị, thủ tướng mong muốn các đại biểu góp ý thẳng thắn chân thành và xây dựng, qua đó đề xuất nhiều giải pháp thiết thực về cải cách thủ tục hành chính, xây dựng một chính phủ hành động luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
Sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ kế hoạch đầu tư đã báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Báo cáo đã nêu rõ các điểm cải thiện và còn tồn tại hạn chế. Thời gian qua các Bộ ngành, địa phương triển khai tích cực Nghị quyết 35 để cải thiện môi trường kinh doanh. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục.
Trong năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 110.100 doanh nghiệp, đạt kỷ lục cao nhất về số lượng từ trước tới nay; số vốn cam kết đưa vào thị trường tăng 48,1% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 24,1%. Trong 4 tháng đầu năm 2017, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 39.580 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 369.635 tỷ đồng, tăng 14% về số doanh nghiệp và tăng 48,9% về số vốn so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 11.545 doanh nghiệp, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Tính đến 20/4/2017, cả nước có khoảng 612 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động.
Năm 2017, Ngân hàng thế giới World Bank đánh giá Việt Nam tăng 9 bậc về môi trường kinh doanh. Các doanh nghiệp lạc quan về triển vọng. Bộ kế hoạch đầu tư cho biết: qua phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp về chính sách và thực thi vẫn còn một số vấn đề tồn đọng gồm: Chưa giải quyết triệt để về sự thống nhất luật dẫn đến vướng mắc về đất đai, đầu tư; Tồn tại tình trạng nhiều cơ quan cùng quản lý một vấn đề. Quy định thuế, hải quan chưa rõ ràng. Chi phí nộp thuế Việt Nam cũng cao nhất khu vực. Chi phí không chính thức còn là gánh nặng cho doanh nghiệp. 66% doanh nghiệp xác nhận phải trả chi phí này.
Theo báo cáo của VCCI, doanh nghiệp đánh giá rất cao Nghị quyết 35 của chính phủ. Nghị quyết này đã góp phần tạo dựng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện những cam kết của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về Chính phủ kiến tạo, phục vụ, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển; coi doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế. Việc triển khai Nghị quyết 35 đã tạo chuyển biến tích cực trong tư tưởng, nhận thức của đội ngũ, cán bộ, công chức các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt về lề lối, tác phong và thái độ phục vụ. Công tác phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ, thu hút đầu tư đã được các địa phương quan tâm; công tác cải cách thủ tục hành chính của nhiều địa phương đã đạt kết quả tốt. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư được hưởng lợi từ việc ban hành và thực hiện Nghị quyết. Qua khảo sát nhanh của VCCI, các doanh nghiệp cũng nêu lên 1 số tồn tại: đó là công tác cải cách thủ tục hành chính như hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức năng lực còn hạn chế, gây phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vẫn thường phải trả các chi phí không chính thức khi làm thủ tục cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh, đón tiếp thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện. Để tiếp tục triển khai Nghị quyết 35 trong thời gian tới, VCCI kiến nghị bổ sung nhóm giải pháp liên quan đến hoàn thiện thể chế kinh tế vĩ mô; tiếp tục thực hiện 5 nhóm giải pháp đã được đề ra tại Nghị quyết 35…
Báo cáo tổng hợp công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nêu rõ các nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới, là: Tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách, triển khai hiệu quả các Nghị quyết TW 5 khoá XII về thể chế KTTT định hướng XHCN, doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp tư nhân. Tăng cường thực thi thể chế, pháp luật. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận xử lý và trả lời phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp, người dân. Đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử. Đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác theo dõi kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng chính phủ giao.
Hội nghị đã nghe các doanh nghiệp nêu ý kiến về thực hiện các nhóm giải pháp của Chính phủ cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Một số cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, việc tiếp cận các nguồn lực của doanh nghiệp như: vốn, đất đai… Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chồng chéo cũng được các doanh nghiệp quan tâm kiến nghị với Chính phủ.