Làng Sơn mài Tương Bình Hiệp –Thành phố Thủ Dầu Một đã đuợc tỉnh Bình Dương công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2009. Sau 10 năm đuợc công nhận làng nghề và 3 năm được công nhận di tích phi vật thể cấp Quốc Gia, hoạt động sản xuất nơi đây vẫn có những thuận lợi và khó khăn đan xen. Trong đó việc thiếu nghệ nhân và thợ bậc cao đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất của Làng nghề.
LÀNG NGHỀ SƠN MÀI TƯƠNG BÌNH HIỆP CẦN THỢ BẬC CAO.
Làng sơn mài Tương Bình Hiệp hiện có gần 100 hộ sản xuất và 8 doanh nghiệp, với tổng số lao động hơn 1.000 người. Bên cạnh việc sử dụng đến 90% nguyên liệu tại chỗ, trình độ tay nghề của những nguời thợ của Làng nghề cũng là một lợi thế rất lớn cho sản phẩm khi mà có rất ít ngành tạo được trong xuất khẩu hàng hóa. Chỉ tính riêng năm 2018, giá trị sản xuất của làng sơn mài Tương Bình Hiệp đạt khoảng 200 tỷ đồng, trong đó giá trị gia tăng trong xuất khẩu của sơn mài đã đạt hơn 90%.
Truyền thống là vậy, tinh xảo là vậy, nhưng làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh của những ngành hàng có tính trang trí, tính biểu đạt và được thực hiện trên các chất liệu khác. Bên cạnh đó, đây không phải là ngành hàng thiết yếu, nên thị trường sụt giảm khi nền kinh tế gặp khó khăn, nhất là tại các quốc gia nhập khẩu sơn mài.
Cái khó của làng nghề hiện nay là thế hệ trẻ không còn đam mê với nghề sơn mài, phần lớn họ chọn vào làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó các nghệ nhân, các bậc thợ cao niên cũng lần lượt qua đời. Dẫn tới tình trạng thiếu cả thầy lẫn thợ... Để bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài truyền thống thì cần phải có cả thầy lẫn thợ hiểu nghề và yêu nghề... Nhưng xem ra vấn đề này rất khó, bởi thu nhập của nghề chưa thể cạnh tranh với nhiều ngành nghề khác.
Làm sao có được nguồn nhân lực cho ngành, làm sao để những người thợ sơn mài lành nghề có thu nhập cao, có được cuộc sống ổn định và làm sao để làng nghề sơn mài không bị mai một... Chính là những bài toán cần có đáp án cụ thể hiện nay.