Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, sáng nay, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.
Thưa quý vị! Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, gọi tắt là Luật Đặc khu Kinh tế và Dự án luật này đang đứng trước những yêu cầu cấp thiết, để làm sao tạo được những điển hình khu kinh tế minh bạch, kiến tạo.
Theo Quy hoạch với 3 đặc khu kinh tế là Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, đây sẽ là 3 động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước trong tương lai với tổng diện tích gần 1700 km2, với tổng vốn đầu tư là 1,57 triệu tỷ đồng.
3 đặc khu này sẽ nhận được rất nhiều ưu đãi, trước nhất là về thuế, Thuế Thu nhập doanh nghiệp được miễn hoàn toàn trong 4 năm đầu, giảm 10% cho đến năm thứ 30 đối với các doanh nghiệp sản xuất,
Còn riêng với doanh nghiệp Bất động sản, thuế Thu nhập doanh nghiệp được giảm 50% cho đến năm thứ 9, với các dịch vụ doanh nghiệp kinh doanh casino, mức thuế được giảm 15% cho đến năm thứ 5.
Đó là chưa kể một loạt các ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất... hàng loạt những ưu đãi về thuế được cho là sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào các đặc khu.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, nếu quá tập trung vào ưu đãi thuế, mà quên đi những cải cách về thể chế, thông thoáng, minh bạch môi trường kinh doanh, sự xuất hiện của các đặc khu sẽ là vô nghĩa.
Đặc khu Kinh tế là để thu hút vốn đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, là nơi tạo đà cải cách toàn diện về chất lượng môi trường kinh doanh, kiến tạo giá trị tới khắp cả nước chứ không đơn thuần chỉ là một nơi chỉ có ưu đãi và trải thảm kêu gọi đầu tư tràn lan. Với phương châm đó, Luật Đặc Khu Kinh tế được kỳ vọng sẽ phát huy được tinh thần minh bạch, đề cao yếu tố kiến tạo, chọn lọc, ưu tú.