Miễn học phí với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở là một bước tiến rất lớn trong chính sách về giáo dục của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, việc thực hiện theo lộ trình như thế nào? Nguồn kinh phí lấy từ đâu để thực hiện chủ trương này thì vẫn còn là băn khoăn của nhiều người. Sau đây là ý kiến từ chuyên gia và các nhà quản lý.
Bộ Giáo dục – Đào tạo cho rằng, việc nhà nước chỉ mới miễn học phí đối với giáo dục tiểu học, còn trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS chưa được miễn học phí, gây khó khăn khi huy động trẻ đến trường, nhất là vùng núi, vùng dân tộc thiểu số. Do vậy, nếu chính sách miễn học phí cho học sinh THCS được Quốc hội thông qua sẽ là một bước tiến lớn. Tuy nhiên, để thực hiên chủ trương này thì ngân sách nhà nước sẽ phải chi thêm hơn 2 ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Đồng tình về mặt chủ trương của chính sách, song nhiều chuyên gia cho rằng có hai vấn đề cần phải được nghiên cứu và tính toán kỹ khi thực hiện. Đó là trong khi nguồn ngân sách đang có nhiều khó khăn thì không nên miễn đồng loạt mà nên phân đối tượng theo hoàn cảnh và vùng miền.
Bên cạnh đó, lộ trình và chính sách hỗ trợ thực hiện ra sao để đảm bảo bình đẳng cho các đối tượng phổ cập đều được hưởng lợi cũng cần được lưu ý.
Hiện Bộ Giáo Dục và Đào tạo chưa có lộ trình cụ thể bởi Quốc hội chưa thông qua chính sách này. Tuy nhiên, bài học từ chính sách miễn giảm ở nhiều lĩnh vực như giảm nghèo bền vững, bảo hiểm y tế hiện nay cho thấy, việc thực hiện theo chính sách bình quân sẽ không mang lại hiệu quả triệt để mà còn trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Đây cũng là vấn đề mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cân nhắc kỹ nếu chủ trương này được thực thi.