Trong quí I năm 2018, ngành chế biến gỗ xuất khẩu tỉnh Bình Dương đạt giá trị xuất khẩu gần 700 triệu USD, tăng hơn 15 % so với cùng kỳ năm 2017. Với mức tăng trưởng hàng quí hơn 15% ngành gỗ xuất khẩu có khả năng đạt gía trị xuất khẩu gần 5 tỷ USD trong năm nay.
Theo các doanh nghiệp, thị trường nhập khẩu truyền thống các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã phục hồi sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Mặt khác, nhờ một số lợi thế cạnh tranh của ngành chế biến gỗ ở nước ta so với một số nước trong khu vực, nên nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ ở Bình Dương đã có đủ đơn hàng sản xuất đến cuối năm. Đây là các yếu tố đảm bảo sự tăng trưởng ổn định cho ngành trong thời gian tới, khi mà các hiệp định kinh tế song phương, đa phương giữa Việt Nam với các Quốc gia được thực thi hoàn toàn .
Bên cạnh công nghệ sản xuất được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư theo hướng mở, tích hợp nhiều công năng vận hành của thiết bị, ngành gỗ hiện có đội ngũ lao động lành nghề nên có thể tạo đuợc nhiều chủng lọai sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đây chính là những lợi thế mà các doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy để nâng cao tính cạnh tranh ở thị trường truyền thống như: Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, cũng như ở các thị trường mới như Trung Đông, Châu Phi…
Tuy vậy hiện tại, ngành chế biến gỗ Bình Dương cũng như cả nước đang tồn tại những bất lợi do sử dụng nguyên liệu nhập khẩu gần 50%. Mặt khác, lãi suất ngân hàng vẫn còn cao gấp 2 lần so với các nước trong khu vực đã làm cho doanh nghiệp rất khó cân đối giá thành để có được lợi nhuận và phát triển.
Để phát triển ổn định, các doanh nghiệp chế biến gỗ ở Bình Dương cần nỗ lực tháo gỡ những khó khăn về vốn, năng lực sản xuất và nguồn nguyên liệu cho sản xuất, cũng như đẩy mạnh tiếp thị và quảng bá thương hiệu sản phẩm trên thế giới….Về phía Nhà nuớc, cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, phụ liệu. Đây là những điều kiện cần và đủ để các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ tiếp tục phát triển, đáp ứng tốt xu thế hội nhập và cạnh tranh toàn cầu.