Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng ngừa, nhưng nhìn chung, vấn đề an toàn lao động ở Bình Dương vẫn còn diễn biến phức tạp. Số vụ tai nạn lao động hàng năm còn ở mức cao, gây thiệt hại về vật chất, tinh thần cho gia đình và xã hội. Thực tế này đòi hỏi phải có những giải pháp, những chương trình hành động mạnh mẽ, thiết thực hơn, nhằm góp phần kéo giảm số vụ tai nạn lao động xảy ra trên địa bàn.
Sẽ không có gì đáng bàn nếu như diễn biến tình hình lao động thực tế đúng như đại diện nhà thầu thi công này vừa nói. Ghi nhận tình hình lao động tại công trình xây dựng nhà xưởng tại KCN Rạch Bắp, thị xã Bến Cát do công ty đầu tư – xây dựng Thăng Long thực hiện. Mặc dù, làm việc chủ yếu trên cao, nhưng phần lớn trong số hơn 150 lao động tại đây được trang bị phương tiện bảo hộ khá sơ sài, nhiều người chủ quan đánh cược với chính mạng sống của mình, khi thường xuyên đong đưa làm việc trên các giàn giáo tạm bợ, đi lại trên mái nhà cao tầng. Vi phạm thấy rõ, nhưng không có bất kỳ sự nhắc nhở hay xử phạt nào từ phía giám sát công trình.
Chính vì chưa nhận thức đầy đủ và tuân thủ nghiêm quy định về quy trình an toàn lao động của một bộ phận doanh nghiệp, chủ đầu tư công trình và người lao động, đã dẫn đến nhiều hệ lụy từ các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Theo số liệu thống kê trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 436 vụ tai nạn lao động làm 451 người bị nạn, trong đó có 35 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết 34 người và bị thương nặng 13 người. Nằm trong số những địa phương có số vụ tại nạn lao động nghiêm trọng cao của cả nước.
Những tai nạn lao động trong hoạt động sản xuất ở các lĩnh vực trong thời gian qua luôn để lại những hậu quả không nhỏ về vật chất lẫn tinh thần cho người lao động. Đây là vấn đề cấp thiết, cần được các ngành chức năng của tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm. Hưởng ứng Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động lần thứ II năm 2018 với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”, doanh nghiệp, người lao động Bình Dương cần quan tâm nhiều hơn nữa về vấn đề an toàn lao động, thực hiện đúng các nguyên tắc đảm bảo an toàn lao động trong quá trình làm việc. Hướng tới xây dựng “văn hóa an toàn” trong doanh nghiệp, với mục tiêu vì sự an toàn của người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội.