Hôm nay 22/4 là Ngày Trái đất. Chủ đề của Ngày Trái đất năm nay là "Hành tinh và Nhựa", đặt mục tiêu giảm 60% sản lượng tất cả các loại nhựa vào năm 2040. Trong nỗ lực này, vòng đàm phán thứ tư của Liên Hợp Quốc hướng tới hiệp ước toàn cầu đầu tiên về tình trạng ô nhiễm nhựa sẽ khai mạc vào ngày 23/4 tại thành phố Ottawa, Canada.
Dự kiến vòng đàm phán sẽ diễn ra trong 1 tuần, đến ngày 1/5, với mục tiêu hoàn tất hiệp ước để phê chuẩn vào tháng 12 tới. Nếu được thông qua, đây sẽ là thỏa thuận môi trường quan trọng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau thỏa thuận Paris về khí hậu năm 2015.
Tuy nhiên, vòng đàm phán lần này được dự báo sẽ vô cùng căng thẳng khi các bên tham gia đàm phán vẫn còn nhiều khác biệt về phạm vi và quy mô của thỏa thuận.
Liên minh châu Âu và hàng chục quốc gia khác đang kêu gọi một hiệp ước toàn cầu nhằm giảm việc sản xuất và sử dụng các polyme nhựa nguyên chất có nguồn gốc từ hóa dầu và để loại bỏ hoặc hạn chế các loại nhựa có vấn đề và những loại khác có chứa thành phần độc hại. Trong khi đó, ngành công nghiệp nhựa và các nhà xuất khẩu dầu, hóa dầu lớn trên thế giới phản đối quan điểm này. Họ cho rằng hiệp ước chỉ nên tập trung vào việc tái chế và tái sử dụng nhựa.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, trong 400 triệu tấn nhựa thế giới sản xuất mỗi năm, chỉ có khoảng 9% được tái chế. Với mức tiêu thụ nhựa như hiện nay và hiện trạng quản lý rác thải nhựa như hiện nay, dự báo đến năm 2050, trên thế giới sẽ có khoảng 12 tỷ tấn rác thải nhựa bị thải ra, gây ô nhiễm môi trường.