Chiến dịch Hồ Chí Minh là một trong ba đòn tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, là đòn quyết chiến cuối cùng của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, làm nên thắng lợi vĩ đại giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đã 42 năm trôi qua ,nhưng ý nghĩa to lớn, vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn mang tính thời sự về nghệ thuật chiến tranh nhân dân được hun đúc qua hàng ngàn năm giữ nước và có giá trị thực tiễn lâu dài.
5 ngày diễn ra chiến dịch Hồ Chí Minh, từ ngày 26.4 đến ngày 30.4.1975, là kí ức không bao giờ phai mờ trong tâm trí của tiến sĩ Lê Quang Hậu, Phó trưởng khoa Sử, trường Đại học Thủ Dầu Một. Năm đó, tiến sĩ Hậu là chàng trai 20 tuổi, là trợ lý chính trị kiêm văn thư quân lực của phòng Hậu Cần, Bộ tư lệnh thông tin B2, đóng quân tại căn cứ Tà Thiết – Lộc Ninh, thủ phủ của quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Đơn vị của ông tham gia giải phóng Sóng Thần, Sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ tổng tham mưu của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Những ngày trực tiếp cầm súng chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh là động lực, và là nguồn tư liệu sống động cho bài giảng, cũng như các đề tài nghiên cứu khoa học của ông về lịch sử đất nước.
Như vậy, tinh thần đoàn kết toàn quân, toàn dân là nguồn sức mạnh to lớn để làm nên thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh. Sức mạnh ấy bắt nguồn từ tư duy quân sự đạt tới nghệ thuật với chủ trương: "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng", bám sát thực tiễn chiến trường, phân tích chỗ mạnh, chỗ yếu của đối phương mà tìm ra cách đánh. Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam, quân và dân ta đã tiến công bằng một chiến dịch hiện đại quân binh chủng hợp thành với quy mô lớn nhất, kết hợp chặt chẽ với cao trào nổi dậy của quần chúng nhân dân để đánh thắng trong một thời gian kỷ lục: 5 ngày.
Chiến dịch Hồ Chí Minh trở thành niềm tự hào của quân và dân Việt Nam, mang đặc trưng dấu ấn đặc biệt trong lịch sử chiến tranh của nhân loại. Bài học từ thắng lợi của chiến dịch vẫn vẹn nguyên giá trị trong quá trình bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước hôm nay và mai sau.